Ashley Summers, 35 tuổi, ở Indiana (Mỹ) đi chơi ở hồ Freeman vào cuối tuần cùng người thân. Summers cảm thấy lâng lâng và đau đầu, có triệu chứng mất nước. Sau đó, bà mẹ 2 con đã uống lượng nước tương đương với 4 chai nước 500ml.
Người thân của Summers cho biết, cô đã uống rất nhiều nước, trong vòng 20 phút, Summers đã uống hết 4 chai nước. Khi trở về nhà, Summers bất ngờ ngã quỵ trong gara để xe và ngay lập tức được đưa tới Bệnh viện IU Health Arnett ở Indiana. Đáng tiếc cô đã không qua khỏi.
Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện não của cô bị phù và không thể cứu chữa. Kết quả chẩn đoán nguyên nhân tử vong sau đó là do bệnh nhân bị nhiễm độc nước, còn gọi là hạ natri máu, do cơ thể có quá nhiều nước và không đủ natri.
Ảnh minh họa: Uống quá nhiều nước cùng một lúc có thể gây hại cho sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ, Trung tâm Y học Thể thao Starsmec (nguyên bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam) cho biết, trường hợp ngộ độc nước của nữ bệnh nhân trên được gọi là hyponatremia, một tình trạng khi nồng độ sodium hay natri trong máu quá thấp.
Cơ thể cần natri để cân bằng chất lỏng, kiểm soát huyết áp, cũng như ảnh hưởng tới sự dẫn truyền của các dây thần kinh và cơ bắp. Nồng độ natri trong máu bình thường là 135 đến 145 mmol/L. Hạ natri máu xảy ra khi mức natri trong máu hạ xuống dưới 135 mmol/L.
Theo bác sĩ Thuỷ, thông thường "ngộ độc nước" có thể xảy ra khi uống quá nhiều nước trong một khoảng thời gian ngắn, khiến nước pha loãng sodium trong cơ thể.
Người ngộ độc nước sẽ gặp các triệu chứng như: Mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.
Bác sĩ Thuỷ cho rằng trường hợp uống nhiều nước và gặp tình trạng nghiêm trọng dẫn tới tử vong thường rất hiếm gặp. Ngộ độc nước thường xảy ra ở những trường hợp thi đấu cường độ cao khi bù nước không bổ sung đủ muối hoặc uống một lượng nước lọc quá nhiều trong một thời gian ngắn. Điều này khiến nồng độ natri trong máu giảm mạnh, làm mất cân bằng điện giải trong máu một cách đột ngột.
Bổ sung nước đúng cách
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu nước ở trẻ vị thành niên 10-18 tuổi là 40ml/kg. Đối với người từ 19-30 tuổi vận động nặng nhọc, nhu cầu nước của cơ thể là 40ml/kg; người từ 19-55 tuổi, hoạt động thể lực trung bình, nhu cầu nước của cơ thể là 35ml/kg; người trên 55 tuổi, nhu cầu nước là khoảng 30mk/kg.
Theo cân nặng trẻ nhỏ từ 1-10kg có nhu cầu nước là 100ml/kg; người từ 11-20kg nhu cầu nước của cơ thể là 1.000ml + 50ml cho mỗi 10kg cân nặng tăng lên; người từ 21kg trở lên, nhu cầu nước của cơ thể là 1500ml + 20ml cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên.
Các chuyên gia cho biết việc bổ sung nước cần phải phù hợp với thể trạng cơ thể, bệnh lý, hoạt động, cân nặng…
Một ngày cơ thể cần trung bình 2-2,5 lít nước. Khi hoạt động thể chất, tùy theo mức độ tập luyện, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi hơn, lúc này mọi người sẽ cần bổ sung thêm nước cho cơ thể.
Người vận động thể dục thể thao cần lưu ý bổ sung đủ nước cho cơ thể. Trong hai giờ trước khi vận động, nên uống 400-600ml nước và sau mỗi 15-20 phút uống khoảng 150-200ml nước. Khi uống nước lọc cần lưu ý uống từ từ, từng ngụm nhỏ.
Người vận động thể lực ra nhiều mồ hôi có thể chọn nước uống thể thao với lượng calo, kali, chất điện giải và các chất dinh dưỡng khác có chứa năng lượng để giúp thời gian tập luyện dài hơn.
Ngoài ra, để bổ sung nước cho cơ thể, mọi người cũng có thể uống nước oresol, đường glucose hay vitamin C, nước trái cây,...
Chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên đợi đến khi khát mới uống nước, vì khi khát cơ thể đã rơi vào trạng thái mất nước. Do vậy, mọi người cần bổ sung nước thường xuyên nhưng cần lưu ý hạn chế sử dụng các loại đồ uống chứa cồn như rượu, bia cùng các loại đồ uống có ga như nước ngọt.