Người bệnh tiểu đường ăn cơm nguội có tốt không?
Nhiều người cho rằng, ăn cơm nguội không làm tăng lượng đường trong máu là vì sau khi để nguội, một phần tinh bột trong cơm sẽ chuyển hóa thành tinh bột kháng, ruột non không hấp thụ được. Bằng cách này, bạn không phải lo lắng về việc tăng lượng đường trong máu khi ăn cơm.
Thực tế, cách ăn cơm nguội để phòng tránh tăng cân và ngăn ngừa bệnh tiểu đường cũng là một trong những bí quyết ăn uống mà người Nhật áp dụng. Trong cách ăn cơm của người Nhật, họ thường để cơm nguội bớt rồi mới ăn. Bởi lúc này, cấu trúc của gạo sẽ thay đổi và hàm lượng tinh bột kháng sẽ tăng lên. Chính vì vậy, lượng đường trong máu sẽ không tăng quá nhanh, giúp ổn định lượng đường trong máu. Ngoài ra, cách ăn này giúp người Nhật cảm thấy no lâu, kiểm soát sự thèm ăn và sau đó hạn chế lượng calo tiêu thụ trong ngày.
Ảnh minh họa
3 lợi ích của cơm nguội với người bệnh tiểu đường
Chia sẻ trên Thanh niên, bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cơm nguội là phần cơm dư ra từ bữa ăn trước của nhiều gia đình. Để tiết kiệm chi phí và thời gian nấu nướng, nhiều người dùng phần cơm này cho bữa ăn tiếp theo.
Về lợi ích, cơm nguội có hàm lượng tinh bột kháng cao hơn cơm nóng. Tinh bột kháng là một loại tinh bột không được tiêu hóa và hấp thụ bởi cơ thể, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm:
Giảm lượng đường trong máu
Tinh bột kháng có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate, dẫn đến giảm lượng đường trong máu. Tác dụng này rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường, có thể làm đường huyết tăng chậm hơn khi ăn, giảm lượng tinh bột được hấp thu.
Tăng cảm giác no
Tinh bột kháng có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, giúp bạn kiểm soát cân nặng. Hỗ trợ giảm cân do năng lượng cung cấp từ tinh bột kháng thấp hơn so với các loại tinh bột thông thường.
Tốt cho sức khỏe đường ruột
Tinh bột kháng có thể giúp nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa. Do đó, cơm nguội không dễ tiêu hóa và không làm tăng vọt lượng đường trong máu như cơm nóng, chứa ít calo hơn cơm nóng,… Vì thế, cơm nguội sẽ phù hợp cho những người đang theo đuổi chế độ giảm cân hoặc có lượng đường huyết cao.
3 lưu ý trong bữa cơm của người bệnh tiểu đường
Dù là cơm nguội hay cơm nóng, người bệnh tiểu đường khi ăn cơm cần lưu ý những điều sau:
Ảnh minh họa
Không tích trữ cơm nguội quá lâu
Cơm nguội an toàn chỉ nên bảo quan trong tủ lạnh trong 24h. Không nên lưu trữ quá lâu bởi cơm nguội là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, nhiều tinh bột và đường nên rất dễ nhiễm khuẩn. Khi nhiễm khuẩn, ăn cơm nguội cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa; nặng thì ngộ độc cấp, nhẹ thì rối loạn tiêu hóa.
Cần ăn đủ nhóm chất
Người tiểu đường vẫn cần duy trì đủ năng lượng với 4 nhóm chất cơ bản là đạm, tinh bột, chất béo và vitamin. Người có đường huyết cao vẫn có thể ăn cơm hàng ngày, nhưng cần ăn lượng vừa đủ và chỉ nên ăn phù hợp với thể trạng cơ thể, dựa trên lời khuyên của bác sĩ.
Nên ăn rau trước bữa cơm
Người tiểu đường vẫn có thể ăn cơm, nhưng để an toàn cho sức khỏe nên ghi nhớ thứ tự ăn đó là: Ăn rau trước rồi ăn thức ăn và cơm sau.
Lượng chất xơ trong rau sẽ điều chỉnh tốc độ, làm chậm quá trình hấp thu đường vào cơ thể. Nhờ vậy mà sự phóng thích lượng đường hấp thu vào máu sau ăn có khuynh hướng xảy ra chậm hơn, tránh việc đường huyết tăng cao sau khi ăn.
Tác hại khi lạm dụng cơm nguội bảo quản không đúng cách
Gạo có thể chứa vi khuẩn có tên là Bacillus cereus. Trong quá trình để nguội thì số bào tử này sẽ hoạt động trở lại, sinh ra độc tố nguy hiểm, các triệu chứng bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng…
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), để đảm bảo an toàn khi nấu cơm cần đảm bảo rửa tay sạch trước khi vo gạo và nấu chúng. Không nên để cơm nguội ở bên ngoài một giờ. Nếu ăn không hết, cơm phải được bảo quản trong tủ lạnh, không quá 24 giờ. Khi cơm có dấu hiệu bất thường thì tuyệt đối không nên ăn.
Các gia đình nên cân đối để nấu lượng cơm vừa đủ với nhu cầu của gia đình, như vậy sẽ giúp đảm bảo an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của cơm.