Một số người nghĩ rằng các món ăn nóng không thể đặt trực tiếp tủ lạnh mà phải chờ cho thực phẩm nguội hẳn. Họ lý giải nếu thực phẩm nóng đặt trực tiếp vào tủ lạnh - một môi trường nhiệt độ thấp hơn hẳn - sẽ khiến các chất dinh dưỡng bên trong thực phẩm bị biến đổi, biến chất.
Bên cạnh đó, không khí nóng do thực phẩm mang vào tủ lạnh gặp nhiệt độ thấp sẽ gây ra sự ngưng tụ hơi nước, có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm mốc và làm cho tất cả thực phẩm trong tủ lạnh có nguy cơ bị mốc. Do đó, người ta tin rằng các món ăn nóng nên được làm nguội trước khi cất chúng trong tủ lạnh.
Một số khác lại nghĩ rằng các món ăn nóng nên được đặt trực tiếp vào tủ lạnh sớm, đặc biệt là trong thời tiết trời mùa hè có nhiệt độ cao, vi khuẩn sinh sôi và nhân lên rất nhanh chóng. Nếu chờ cho thức ăn nguội rồi mới cất vào tủ lạnh tức là chúng ta đang tạo cho vi khuẩn thời gian và môi trường để chúng phát triển. Vì vậy, họ cho rằng việc đợi cho thực phẩm nguội rồi mới cất vào tủ lạnh làm tăng nguy cơ gây độc cho thực phẩm hơn và làm cho nó ít an toàn hơn.
Nên hay không nên đặt thực phẩm nóng trực tiếp vào tủ lạnh?
Lý do tại sao có những món không thể đặt trong tủ lạnh khi đang nóng là vì khi đó, việc đặt thực phẩm nóng trong tủ lạnh sẽ khiến nhiệm vụ làm lạnh của tủ tăng lên, thậm chí có thể vượt quá khả năng làm lạnh của nó, dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ của tủ và thực phẩm trong đó. Từ đó, điều kiện bảo quản thức ăn ở nhiệt độ thấp của tủ lạnh bị phá hủy.
Bên cạnh đó, nếu bạn sử dụng hộp đựng là hộp mỏng, không chuyên dụng để đựng thực phẩm thì sự chệnh lệch về nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài hộp có thể gây ra các vết nứt, làm hỏng hộp, tạo thành các khoảng trống cho phép vi khuẩn trong tủ lạnh xâm nhập.
Tuy nhiên, quan điểm của những người nói rằng thức ăn nóng nên đặt trực tiếp vào tủ lạnh cũng không phải là sai hoàn toàn. Thực tế, loại thực phẩm nào cũng vậy, càng để lâu ở nhiệt độ phòng, càng có nhiều vi sinh vật, vi khuẩn sinh sôi và thế là thực phẩm càng không an toàn. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn có thể gây bệnh trong thực phẩm như salmonella, E. coli và botulinum sẽ nhân lên gấp bội cứ sau 20 phút.
Do đó, thực phẩm không nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ, với nhiệt độ ngoài trời trên 32 độ C, thời gian này sẽ là không quá 1 giờ.
Cách để lưu trữ các thức ăn nóng
Để bảo quản thực phẩm nóng đúng cách, bạn cần nhớ 5 điểm sau:
1. Các món ăn nóng nên được đóng kín bằng màng bọc thực phẩm, đựng vào hộp thực phẩm chuyên dụng, đảm bảo chất lượng càng sớm càng tốt để cho vào tủ lạnh. Các loại hộp này sẽ giúp cho thực phẩm tránh được sự bay hơi nước, ngưng tụ thành giọt nước trong hộp. Và nó cũng có thể ngăn vi khuẩn trong không khí rơi vào thức ăn, ngăn mùi hôi của thức ăn bao chùm tủ lạnh.
2. Nếu món ăn quá nóng, hãy làm lạnh nhanh bằng cách ngâm nước đá bát/đĩa thức ăn đó trước khi cho vào tủ lạnh. Bằng cách này, nhiệt độ của thực phẩm có thể nhanh chóng giảm.
3. Nếu đĩa thức ăn quá lớn (quá nhiều), hiệu quả làm lạnh nhanh của tủ lạnh sẽ không đạt được. Do đó, tốt nhất là bạn nên chia nó thành nhiều phần để lưu trữ trong tủ lạnh. Sau khi lấy đồ ăn ra sử dụng, nếu không ăn hết, bạn nên cất chỗ thức ăn còn lại vào một hộp đựng khác và cất lại vào tủ lạnh càng sớm càng tốt để thực phẩm có ít vi khuẩn nhất.
4. Sử dụng hộp đựng càng to nhưng nông để đựng thực phẩm tức là bạn đang làm tăng diện tích bề mặt tiếp xúc của nhiệt độ lạnh với thực phẩm, từ đó giúp thực phẩm làm lạnh được nhanh hơn.
5. Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh để tránh quá nhiều thực phẩm bị xếp chồng lên nhau và khiến không gian tủ lạnh bị chật, điều này sẽ dẫn đến hiệu quả làm lạnh không đủ.
#Lưu ý: Sau khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh, cần xử lý nhiệt (đun nóng) để khử trùng trước khi ăn. Điều này sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn.
Nguồn tham khảo: Healthline, Aboluowang, Eat This