Ảnh minh họa: Internet
Vì sao bệnh khớp gia tăng khi trời lạnh?
Theo các chuyên gia về lĩnh vực xương khớp thì, khi thời tiết trở lạnh, không khí lạnh sẽ thâm nhập qua lỗ chân lông thấm qua da thịt của bạn khiến các mạch máu bị co lại. Lúc này thì sự lưu thông máu đến các khớp rất kém, các khớp bị thiếu máu nên rất dễ tái phát các bệnh về khớp trong đó có viêm khớp, thoái hoá khớp, khiến người bệnh cảm thấy đau nhức hơn bình thường.
Theo y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các yếu tố gây bệnh như phong (gió), thấp (ẩm) xâm nhập cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương khiến kinh lạc bị trì trệ, khí huyết kém lưu thông và phát sinh chứng đau nhức ở các khớp.
Trong khi đó, y học hiện đại cho rằng bệnh khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển mùa là do áp suất khí quyển thấp. Khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực lên các khớp.
Đặc biệt đối với những bệnh nhân khớp mạn tính, lớp sụn khớp bị bào mòn trơ ra đầu xương lồi lõm, các dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên sẽ cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn. Còn theo các nhà khoa học về di truyền học, nguyên nhân được giải thích là do gene và hệ miễn dịch trong cơ thể thay đổi theo mùa.
Ngoài ra còn có thêm một số lý do mọi người cảm thấy đau khớp hơn vào những ngày mùa đông lạnh giá:
- Nhiệt độ lạnh gây ra những thay đổi trong lưu lượng máu. Cơ thể của chúng ta xây dựng một cách tự nhiên một số dòng máu từ các chi đến các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như tim và phổi để giữ ấm. Điều này gây khó chịu cho khớp ở một số người khi trời trở lạnh.
- Nhiệt độ thấp cũng làm cho chất lỏng bên trong khớp dày hơn, do đó sẽ làm tăng độ cứng và gây đau.
- Áp suất khí quyển hoặc áp suất không khí giảm vào mùa đông và những người bị đau khớp, đặc biệt là viêm khớp, rất nhạy cảm với những thay đổi này.
- Sự thiếu hụt Vitamin D hoặc vitamin ánh nắng mặt trời cũng làm tăng tình trạng viêm và dẫn đến đau nhức cơ thể vào mùa đông.
- Tình trạng mất nước cũng có thể gây đau khớp.
Thực phẩm gây đau cơ và khớp
Một số loại thực phẩm có chứa các vitamin và khoáng chất đặc biệt giúp giảm thiểu đau cơ và khớp một cách tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có những loại thực phẩm có thể làm tăng cơn đau và cứng khớp, bằng cách gây viêm trong cơ thể.
Đường
Bạn nên cắt giảm lượng đường ăn vào nếu bạn dễ bị đau cơ và khớp vào mùa đông. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung, chẳng hạn như đường có trong soda hoặc được sử dụng trong cà phê hoặc trà sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.
Bạn có thể thỏa mãn sở thích đồ ngọt của mình bằng các dạng đường tự nhiên có trong thực phẩm như trái cây, sữa, ngũ cốc nguyên hạt và rau.
Rượu
Rượu là một chất lợi tiểu và nó làm mất nước của các tế bào. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ đau cơ, chuột rút và các rủi ro căng cơ tiềm ẩn. Nó cũng làm cản trở lưu lượng máu và phục hồi cơ sau chấn thương. Bên cạnh đó, rượu cũng được biết đến là tác nhân gây viêm trong cơ thể.
Đồ uống có caffeine
Uống quá nhiều đồ uống có chứa caffein như cola, cà phê và trà sẽ khiến tình trạng mất canxi trong nước tiểu tăng lên. Một số nghiên cứu đã liên kết việc tiêu thụ caffeine với việc giảm khối lượng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Ngoài ra, cà phê cũng có thể làm tăng tình trạng viêm ở một số người.
Muối
Tiêu thụ quá nhiều muối cũng sẽ làm rối loạn sự cân bằng của các chất điện giải và khoáng chất quan trọng khác trong cơ thể, những chất giúp hỗ trợ hoạt động bình thường của cơ và khớp.
Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều muối trong chế độ ăn uống hàng ngày cũng dẫn đến tình trạng mất nước, đây cũng là nguyên nhân gây ra đau khớp.
Đồ ăn nhanh
Các loại dầu thực vật rẻ tiền được sử dụng trong quá trình chế biến đồ ăn nhanh và chiên rán sẽ làm tăng tình trạng viêm. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng đau khớp và cơ của bạn. Thêm vào đó, thường xuyên ăn thức ăn béo cũng góp phần làm tăng cân, gây thêm áp lực lên các khớp.
Thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, ăn ít thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa và trứng sẽ giúp giảm lượng chất béo bão hòa từ động vật. Việc tiêu thụ quá nhiều những thực phẩm này góp phần tích tụ axit arachidonic gây viêm và do đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp.
Thực phẩm đã qua chế biến
Bạn nên hạn chế việc sử dụng các loại thực phẩm đã qua chế biến vì chúng không cung cấp chất dinh dưỡng đồng thời cũng thúc đẩy tình trạng viêm và làm trầm trọng thêm tình trạng đau nhức khớp của bạn.
Tránh carbs tinh chế như bột mì trắng, bánh nướng, gạo trắng, bánh mỳ trắng hay bất kỳ nguồn đường tinh luyện nào.
Những cách phòng chống đau xương khớp khi trời lạnh
Theo Bác sĩ Võ Khắc Khôi Nguyên, để phòng bệnh xương khớp mùa lạnh, bạn nên thực hiện 5 bước này:
Tránh tâm lý lo lắng quá mức
Thay đổi áp suất khí quyển của không khí xung quanh ảnh hưởng đến áp lực bên trong khớp. Chính vì vậy khi thời tiết trở lạnh sẽ làm đau khớp. Các mô trong cơ thể, lớp ngoài cơ thể (da, gân, cơ) thường có khuynh hướng co rút lại, biểu hiện rõ nhất là hiện tượng nổi da gà khi gặp lạnh do cơ dựng lông co lại. Tình trạng này có thể gây chứng đau vai gáy cấp, các khớp gối, bàn chân và tay thường bị đau nhức. Bệnh nhân thấp khớp có thể không đứng dậy hoặc không nắm chặt tay được do cứng khớp vào buổi sáng, do đó nhiều người trở nên hoang mang lo lắng.
Giữ ấm hợp lý
Cần mặc đủ ấm, dùng khăn quàng cổ, găng tay, tất. Điều quan trọng là nên giữ ấm trước khi đi ngủ vào buổi tối, vì nhiệt độ có khuynh hướng thấp dần về đêm và đầu buổi sáng. Đặc biệt, các khớp ở ngón tay, ngón chân là những khớp nhỏ nằm ở xa cơ thể nên thường sẽ bị nhiễm lạnh đầu tiên so với các khớp lớn hơn.
Hạn chế chân tay bị ẩm ướt, cần nhanh chóng lau khô người khi đi mưa hoặc tiếp xúc với nước. Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng cần làm nóng, ấm xung quanh vị trí đau bằng máy sấy hoặc chườm nóng, ngâm nóng. Biện pháp ngâm nước nóng vừa có tác dụng trao đổi nhiệt tại chỗ ở ngoài da, vừa giúp tăng cường tuần hoàn ở bên trong, giúp làm ấm cơ thể hiệu quả.
Giữ ấm hợp lý có thể xem là biện pháp cơ bản, đơn giản nhất mà tất cả mọi người có thể thực hiện theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Vận động hợp lý
Trời càng lạnh con người ta càng có khuynh hướng ít vận động. Càng bị đau nhức xương khớp người bệnh càng sợ cử động hơn, dẫn đến các khớp tê cứng và bệnh càng nặng thêm. Vì vậy, khi trời lạnh hoặc bị đau khớp bạn vẫn cần vận động một cách phù hợp.
Người bị đau nhức xương khớp thường có các triệu chứng cứng khớp vào buổi sáng, nhất là các khớp nhỏ như ở bàn tay, bàn chân. Trước khi rời khỏi giường vào buổi sáng, người bệnh cần tập co duỗi các ngón tay, chân, cũng như các khớp lớn để giảm bớt cảm giác tê cứng. Co duỗi còn giúp máu lưu thông tốt đến các khớp, sau một đêm nằm ngủ xem như các khớp bị “bất động” tạm thời.
Các bài tập thể dục buổi sáng vẫn nên duy trì hàng ngày. Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần. Việc duy trì tập luyện, kể cả khi trời lạnh giúp duy trì sức mạnh của cơ, gân, dây chằng. Đây là những bộ phận giữ vững khớp, góp phần giảm tải sức nặng tác động lên mặt khớp, gây đau khớp. Bên cạnh đó, các bài tập tại chỗ giữa buổi làm việc cũng được khuyến khích áp dụng hàng ngày.
Khớp có biểu hiện sưng nóng đỏ đau, chứng tỏ đang bị viêm cấp tính. Khi đó, bạn nên hạn chế vận động, không nên xoa dầu, bóp rượu vì có thể làm nặng thêm tình trạng viêm.
Dinh dưỡng hợp lý
Người bệnh nên ăn thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, các vitamin A, E, C có trong đậu nành, rau xanh, hạt mầm, cà rốt, cà chua, ớt, bơ...
Hạn chế rượu bia, các bữa tiệc thịnh soạn vì có thể gây ra một cơn gout cấp (nhất là ở những bệnh nhân gout) và làm trầm trọng hơn tình trạng đau nhức xương khớp.
Uống đủ nước mỗi ngày. Cơ thể thiếu nước có thể gây hiện tượng cô đặc máu, làm giảm lưu thông máu đến nuôi dưỡng các khớp, nhất là các khớp ở xa (bàn tay, bàn chân). Khuyến khích dùng thức ăn, nước uống có nhiệt độ ấm vì sẽ bổ sung thêm nguồn nhiệt để làm ấm cơ thể.
Dùng thuốc theo chỉ định
Các thuốc giảm đau thông thường không kiểm soát được cơn đau trong vòng 1-3 ngày, các triệu chứng có khuynh hướng trầm trọng hơn. Nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử trí hiệu quả.