Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa và Gan mật Wu Zongqin (Trung Quốc) cho biết, ăn uống quá nóng là thói quen rất xấu nhưng lại rất phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nó ảnh hưởng nhiều nhất tới hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là thực quản và dạ dày.
Ông chia sẻ, hàng năm mình tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân bị bỏng, mắc bệnh thực quản do thích ăn uống đồ quá nóng. Trong số đó, có một nam bệnh nhân gần đây thậm chí còn bị tổn thương, viêm loét thực quản đến mức bề mặt của nó sần sùi, lở loét và trắng bệch như da heo.
Hình ảnh nội soi thực quản của bệnh nhân (Ảnh bác sĩ cung cấp)
Được biết, người đàn ông này chưa tới 40 tuổi, vẻ ngoài cường tráng và vốn có sức khỏe rất tốt. Anh ta kể rằng mình trước đây mình cũng từng thỉnh thoảng có cảm giác vướng họng, giống như bị vướng dị vật hoặc đau họng, khó nuốt. Tuy nhiên, không khó chịu lắm nên anh không nghĩ đến việc đi thăm khám.
Hai ngày trước, buổi sáng thức dậy anh cảm thấy cổ họng của mình hơi đau, uống một cốc nước nóng pha mật ong cũng không đỡ. Không những vậy, càng ngày cảm giác đau càng rõ ràng. Một ngày sau đó, việc ăn uống của anh cũng trở nên khó khăn. Buổi tối đang nằm chuẩn bị đi ngủ thì anh bị trào ngược thức ăn, buồn nôn và khi nôn xong thì càng đau rát cổ họng, lưỡi cũng hơi tê. Biết không thể chủ quan được nữa, sáng ngủ dậy anh liền xin nghỉ làm rồi tự mình lái xe tới bệnh viện.
Kết quả nội soi của anh khiến các y bác sĩ có mặt đều khó tránh khỏi bất ngờ. Toàn bộ thực quản bệnh nhân có màu trắng xóa, như cách miêu tả của bác sĩ Wu Zongqin thì giống hệt màu da heo sau khi thịt, được bán ngoài chợ. Niêm mạc thực quản sưng, sần sùi và có lớp nhầy trắng đục bao phủ, phần đáy thực quản có nhiều vết lở loét nghiêm trọng. Trong khi đó, thực quản bình thường phải có màu đỏ hồng, không sần sùi. Niêm mạc dạ dày cũng có những tổn thương nhưng ở mức độ nhẹ hơn rất nhiều.
Lúc đầu, bác sĩ Wu Zongqin nghi ngờ bệnh nhân bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (eosinophilic esophagitis). Nhưng kiểm tra sinh thiết đã loại bỏ khả năng này, làm thêm một số xét nghiệm khác kết hợp với điều tra bệnh sử cho thấy bệnh nhân bị bỏng thực quản do ăn uống đồ quá nóng. Điều đáng lo là tình trạng viêm loét này đã xuất hiện từ nhiều năm và trở thành viêm thực quản mãn tính. Thậm chí bắt đầu có dấu hiệu manh nha của tiền ung thư thực quản.
Thói quen ăn uống đồ quá nóng nguy hiểm hơn nhiều người nghĩ!
Hóa ra, tình trạng trên đến từ thói quen ăn uống không lành mạnh của chính nam bệnh nhân này. Anh ta cho biết, mình vốn có sở thích ăn uống đồ nóng. Đặc biệt, anh rất thích ăn lẩu và ăn món này rất thường xuyên. Anh cũng thích uống canh nóng dù là vào mùa hè và thường xuyên uống trà nóng.
Ảnh minh họa
Điều quan trọng là ngưỡng nhiệt độ được anh ta cho rằng nóng ở đây là rất cao, phải là đang bốc khói nghi ngút hoặc trên 60 độ C. Chưa kể tới, càng ăn uống đồ nóng lâu thì ngưỡng chịu nhiệt của anh lại càng cao hơn.
Anh luôn cho rằng đây là thói quen tốt cho sức khỏe nên đã duy trì rất nhiều năm. Thậm chí đây còn là bí quyết sống thọ được rất nhiều người xung quanh anh truyền tai nhau, nhất là những người lớn tuổi. Bởi họ cho rằng, dùng đồ ăn hay thức uống ở nhiệt độ cao giúp tận dụng tối đa chất dinh dưỡng, diệt vi khuẩn trong cơ thể và tốt cho tuần hoàn máu, phòng rất nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, bác sĩ Wu Zongqin khẳng định đây là quan niệm sai lầm và phản khoa học.
Trong trường hợp bình thường, nhiệt độ của miệng và thực quản dao động từ 16,5 - 37,2 độ C. Nhiệt độ thích hợp nhất để tiêu thụ thực phẩm là từ 10 - 40 độ C, giới hạn cao nhất thực quản có thể chịu đựng là 60 độ C. Khi ăn đồ quá nóng (vượt quá 60 độ C) sẽ khiến cho niêm mạc miệng và thực quản bị tổn thương, tạo thành các vết loét nông, dễ dàng dẫn tới viêm loét miệng mãn tính. Nếu thói quen này kéo dài hoặc nhiệt độ còn cao hơn, nguy cơ dẫn tới bỏng thực quản cấp tính, ung thư thực quản là khó tránh khỏi.
Ảnh minh họa
Bệnh này là bệnh ung thư phổ biến thứ 8 trên thế giới, mỗi năm nó khiến khoảng 400.000 người tử vong trên toàn thế giới. Giám đốc IARC (Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế thế giới WHO) Christopher Wild từng tuyên bố: “Các kết quả nghiên cứu cho thấy ăn uống quá nóng có thể dẫn đến ung thư thực quản. Chính nhiệt độ chứ không phải bản thân món ăn, đặc biệt là đồ uống là nguyên nhân”.
IARC cũng khẳng định: “Các nghiên cứu ở tại các nước có thói quen uống trà ở nhiệt độ rất nóng (khoảng 70 độ C) như Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Nam Mỹ...có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, có nghĩa là ung thư thực quản tỷ lệ thuận với nhiệt độ của thức uống”.
Với trường hợp của nam bệnh nhân kể trên, thói quen ăn uống của anh đã khiến thực quản bị tổn thương, hình thành viêm mãn tính từ lâu. Còn sở dĩ tình trạng thực quản của anh trở nên nghiêm trọng như vậy khi đi khám là vì 2 ngày trước đó anh đi ăn lẩu cay. Khi nước lẩu còn đang sôi và rất cay nóng, anh đã uống nó rất ngon lành và uống liên tục với lượng nhiều trong thời gian ngắn.
May mắn là bệnh tình được phát hiện sớm, có thể điều trị hiệu quả trước khi tiến triển thành ung thư thực quản. Tuy nhiên đây cũng là một bài học đắt giá cho chính bản thân anh cũng như tất cả chúng ta về ăn uống đúng cách.
Ngoài tổn thương thực quản, bác sĩ Wu Zongqin cũng nhắc nhở rằng ăn uống quá nóng còn mang đến nhiều tác hại khác. Ví dụ như gây bỏng niêm mạc miệng, lưỡi và ảnh hưởng xấu tới dây thần kinh vị giác. Có thể dẫn tới suy giảm hoặc mất vị giác, cảm nhận sai vị. Nó còn tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và bệnh ung thư miệng.
Thói quen này còn dễ dây khó tiêu, táo bón vì nhai nhanh và nuốt vội. Đặc biệt, đồ ăn hay thức uống quá nóng sẽ tác động nghiêm trọng đến dạ dày và ruột. Có thể gây ra tổn thương niêm mạc, giảm dịch vị, viêm loét, xuất huyết và thậm chí là ung thư nếu duy trì trong thời gian dài.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Eat This Not That, QQ