Ngày 7/7, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa ghi nhận một ca dương tính với bệnh bạch hầu. Bệnh nhân là Moong thị B (SN 2006), quê ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), đang tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).
Trước đó B và một người bạn cùng quê là Moong Thị S (SN 2006) ở chung phòng tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn với Pịt Thị C (sáng 5/7, C tử vong do mắc bệnh bạch hầu).
Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hiệp Hòa rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của 15 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Sáng 9/7, chia sẻ trên báo Bắc Giang, ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư vừa thông tin đã có kết quả xét nghiệm 8/15 mẫu CDC tỉnh gửi giám định bệnh bạch hầu. 8 mẫu đều có kết quả âm tính, 7 mẫu còn lại chưa có kết quả do mới gửi.
Tiêm vaccine bạch hầu rồi có nguy cơ bị bệnh bạch hầu nữa không?
Trước tình hình phức tạp của bệnh bạch hầu tại một số địa phương, nhiều người dân lo lắng liệu đã tiêm vaccine bạch hầu rồi có nguy cơ bị bệnh bạch hầu nữa không?
Theo chia sẻ của các bác sĩ, sau khi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ theo đúng lịch tiêm vắc xin bạch hầu thì trung bình sau 1 tháng, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh bạch hầu. Lúc này, hiệu lực của vắc xin khá cao, có thể phòng bệnh lên đến 90%.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan với nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là qua đường hô hấp.
Tuy vậy, có một số ít trường hợp sau khi tiêm phòng không tạo kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể thì vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh bạch hầu khi bùng dịch. Nguyên nhân có thể là do không tuân thủ lịch tiêm vắc xin bạch hầu, không tiêm đủ liều hoặc người có sức đề kháng suy giảm hay mắc hội chứng suy giảm miễn dịch vẫn có thể bị bạch hầu tấn công.
Cũng theo các chuyên gia y tế, kháng thể phòng ngừa một số bệnh mà trẻ đã được tiêm trong 2 năm đầu đời không tồn tại suốt đời mà sẽ giảm dần theo thời gian. Cụ thể đối với bệnh Bạch Hầu, để duy trì khả năng bảo vệ lâu dài khỏi căn bệnh này, ngoài việc tiêm đủ liều đúng lịch trong 2 năm đầu đời, trẻ cần được tiêm nhắc lại khi được 4-6 tuổi, khi bước vào giai đoạn thanh thiếu niên và sau đó nhắc lại mỗi 10 năm 1 lần.
Bởi sau khi tiêm vắc xin bạch hầu, miễn dịch thu được chỉ có thể duy trì bảo vệ cơ thể đến khoảng 10 năm và sau đó lượng miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, những người có nguy cơ bị bạch hầu, dù nhớ hay không nhớ đã từng tiêm vắc xin bạch hầu hay chưa thì đều nên tiêm mũi nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Các ca mắc bạch hầu trong những năm vừa qua cho thấy, nguy cơ mắc bệnh luôn thường trực và biện pháp duy nhất để bảo vệ dài lâu khỏi căn bệnh này là chủng ngừa nhắc lại theo đúng lịch.
Các loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu
Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do đó việc tiêm vắc xin bạch hầu có ý nghĩa quan trọng trong việc dự phòng bệnh bạch hầu. Với mục đích này, người ta sử dụng biến độc tố (toxoid) bạch hầu đã được làm mất các độc tính, bị hấp thụ trong nhóm hydroxyd. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có vắc xin phòng bạch hầu phối hợp, không có vắc xin phòng bạch hầu đơn giá, trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như:
- Loại vắc-xin 6 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm phổi, bại liệt do Haemophilus Influenzae tuýp b, viêm gan B (Hexaxim, Infanrix hexa)
- Loại vắc-xin 5 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm phổi, bại liệt do Haemophilus Influenzae tuýp b (Pentaxim), phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm phổi do Haemophilus Influenzae tuýp b, viêm gan B (Combe Five, Quinvaxem. SII)
- Loại vắc-xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, bại liệt, ho gà (Tetraxim) Loại vắc-xin 3 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà (Boostrix, Adacel, DPT)
- Loại vắc-xin 2 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván được dùng trong trường hợp nhóm người lớn có nguy cơ cao và chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi bệnh lây lan rộng chứ không tiêm phổ cập.
Đối tượng cần được tiêm phòng bạch hầu
Vậy đối tượng nào cần tiêm phòng bạch hầu, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có nên tiêm vắc xin bạch hầu hay không?
Theo các chuyên gia y tế, vắc-xin phòng bạch hầu được chỉ định tiêm cho cả người lớn và trẻ nhỏ tùy theo từng loại vắc-xin. Gần như không có chống chỉ định tiêm vắc-xin phòng bạch hầu, chỉ chống chỉ định nếu cơ thể dị ứng với thành phần của vắc-xin hoặc có phản ứng nặng với vắc-xin cùng thành phần ở lần tiêm trước.
Phòng ngừa bệnh bạch hầu
- Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp chủ động như sau:
- Gia đình có con nhỏ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu dạng phối hợp, tiêm đủ liều và đúng lịch tiêm vắc xin bạch hầu theo chương trình tiêm chủng Quốc gia.
- Mỗi cá nhân đều nên xây dựng thói quen rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh vùng mũi họng hàng ngày, tắm rửa sạch sẽ. Khi ho hoặc hắt hơi sổ mũi nên lấy tay che mũi miệng. Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh bạch hầu.
- Đảm bảo môi trường xung quanh nhà ở, trường học, lớp học thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng mặt trời.
- Khi bản thân có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu thì phải thông báo cho mọi người trong gia đình và cần được cách ly nhanh chóng, tránh để mọi người tiếp xúc trực tiếp với mình và nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Khi dịch bệnh bùng phát thì việc phòng bệnh trong các ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc như tiêm vắc xin phòng ngừa bạch hầu, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.