Từ lâu, mọi người đều cho rằng không nên ăn quá nhiều trứng, vì lòng đỏ trứng giàu cholesterol, ăn quá nhiều có thể dẫn đến tăng lipid máu và hình thành mảng bám động mạch.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nick Norwitz tại Đại học Harvard, Mỹ lại cho rằng trứng có lợi cho việc điều chỉnh lipid máu. Để chứng minh điều này, Nick đã thực hiện thử thách ăn 24 quả trứng mỗi ngày trong 1 tháng (tức 720 quả trong 1 tháng).
Sau đó, anh đăng tải hình ảnh toàn bộ căn phòng chất đầy hộp trứng lên mạng xã hội và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Tiến sĩ Nick Norwitz với thử nghiệm ăn trứng của mình.
720 quả trứng tương đương với 133 gram cholesterol, lượng hấp thụ hằng ngày cao gấp 5 lần so với người bình thường. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thử thách, khi đo lượng lipoprotein mật độ thấp, tức là "cholesterol xấu" của Nick lại giảm 18%.
Người ta phỏng đoán rằng, cholesterol có thể kết hợp với các thụ thể tế bào ruột, kích thích tiết ra "enteroceptin". Hormone này gửi tín hiệu đến gan, yêu cầu tổng hợp ít "cholesterol xấu" hơn, giúp giảm lipid máu.
"Enteroceptin" được Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc phát hiện và đặt tên vào tháng 3 năm nay. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có hàm lượng enteroceptin cao thì nồng độ cholesterol trong huyết tương thấp. Khi loại bỏ gen tổng hợp enteroceptin ở chuột, nồng độ cholesterol trong huyết tương của chuột sau khi ăn cao hơn so với nhóm đối chứng, và tiêm enteroceptin cho chuột có thể làm giảm cholesterol, có hiệu quả trong việc điều trị xơ vữa động mạch.
Tất nhiên, đây chỉ là một trường hợp cá nhân, việc hấp thu lượng lớn cholesterol và protein là một thách thức lớn đối với gan và thận. Thí nghiệm này cung cấp bằng chứng tích cực về lợi ích của việc ăn trứng đối với tim mạch, nhưng đối với phần lớn mọi người, việc ăn trứng, thậm chí là ăn nhiều trứng có thể làm giảm lipid máu hay không thì vẫn cần thêm nhiều bằng chứng thực nghiệm hơn.