Ngày 26/10, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức chương trình "Gặp mặt người hiến tiểu cầu tình nguyện tiêu biểu năm 2024" với thông điệp “Hiến giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng”.
Chương trình nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể thường xuyên hiến tiểu cầu, góp phần đảm bảo nguồn cung kịp thời và đầy đủ cho công tác cấp cứu, điều trị.
Người hiến máu và hiến tiểu cầu.
Năm 2024, anh Nguyễn Văn Tỉnh từ Khoái Châu, Hưng Yên, là người hiến tiểu cầu nhiều nhất với 20 lần trong năm, nâng tổng số lần hiến máu và tiểu cầu của anh lên 70 lần. Ngoài ra, có 18 cá nhân hiến 19 lần, 26 người hiến 18 lần và nhiều người hiến từ 15 lần trở lên. Người cao tuổi nhất trong danh sách là ông Hoàng Văn Lụa (60 tuổi), đã hiến 35 lần, trong đó có 15 lần trong năm nay.
Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, chia sẻ: Công tác tiếp nhận tiểu cầu năm 2024 diễn ra ổn định, đáp ứng được nhu cầu điều trị, ngay cả trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Cũng theo BS Quế, so với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu có thể thực hiện lại sau 2-3 tuần, vì vậy một người có thể hiến gần 20 lần mỗi năm.
Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia.
Tiểu cầu là tế bào nhỏ trong máu, sinh ra từ tủy xương, có chức năng cầm máu và giúp đông máu bằng cách tạo cục máu đông che phủ vết thương ở thành mạch máu. Khi tiểu cầu giảm thấp, cơ thể dễ xuất huyết tự nhiên hoặc chảy máu không kiểm soát, thậm chí nguy hiểm hơn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Do tiểu cầu chỉ có thể lưu trữ tối đa 5 ngày, việc tiếp nhận và điều chế phải dựa vào nhu cầu thực tế. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã cập nhật nhu cầu dự trữ hàng ngày và khuyến khích người hiến đăng ký trước khi đến để đảm bảo đủ lượng tiểu cầu cho điều trị.