Sáng 18/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về Bắc Giang kiểm tra, làm việc với tỉnh về công tác phòng dịch COVID-19. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp lãnh đạo Bộ Y tế có mặt tại tỉnh này để bàn giải pháp phòng dịch.
Tình hình rất nóng
Ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 411 bệnh nhân COVID-19, 6.581 người thuộc diện F1 và 30.650F2. Toàn tỉnh hiện có 406 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Hiện tỉnh đã lấy hết mẫu xét nghiệm đợt 1 cho các khu công nghiệp
Hiện ở tỉnh có 3 ổ dịch, trong đó phức tạp nhất là Công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu, huyện Việt Yên). Ở công ty đã có 190 F0 (tính từ 14/5), hơn 1.700 F1 và gần 5.000 F2. Cả 4 xưởng của công ty đều có ca bệnh, trong đó xưởng 4 cao nhất.
Từ 17/5, dịch đã xuất hiện tại một số công ty thuộc KCN Đình Trám với 5 bệnh nhân COVID-19, bước đầu xác định liên quan đến F0 ở Công ty Hosiden.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Tại Bắc Giang, dự kiến số mẫu xét nghiệm cho công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và người có nguy cơ trong cộng đồng là khoảng trên 300.000 mẫu trong đó có khoảng 30.000 F1, và hơn 200.000 F2. Số trường hợp dương tính cần điều trị khoảng 500 người đến dưới 1.000 người.
PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định "tình hình ở Bắc Giang rất nóng".
Các đoàn công tác của Bộ Y tế về Bắc Giang kiểm tra, nhận định dịch xảy ra trong KCN với môi trường kín, đông, mật độ rất dày, cùng chủng virus lần này lây lan nhanh thì sự lây nhiễm nghiêm trọng, phức tạp. Tỉnh đã chuyển hơn 4.000 trường hợp đi cách ly ngay, có thể tới đây số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng.
Tâm dịch ban đầu được xác định ở Công ty Hosiden nhưng nghiêm trọng hơn, sau quá trình điều tra, lấy mẫu diện rộng thì không chỉ dừng ở tâm dịch này mà còn có dấu hiệu xâm nhiễm các công ty khác trong KCN này và cả KCN khác. Cụ thể, dịch đã lây sang Đình Trám.
"Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi dịch xuất hiện ở khu công nghiệp thì có hệ luỵ rất lớn tới cộng đồng mà có khi hiện chưa nhìn thấy vì mối liên hệ dịch tễ khăng khít giữa công nhân với dân cư", ông Dương nêu rõ: Chống dịch tại Bắc Giang phải đồng bộ cả hai mặt trận KCN và cộng đồng.
Đề nghị phải tăng mức giãn cách những khu vực có nguy cơ
Tỉnh đã chỉ đạo giãn cách xã hội với 3 huyện theo Chỉ thị 15 (Lục Nam, Yên Dũng và Lạng Giang), riêng huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng đã chính thức thực hiện theo Chỉ thị 16; tạm dừng hoạt động với 4 khu công nghiệp: Vân Trung, Đình Trám, Song Khê- Nội Hoàng và Quang Châu.
Công nhân trong toàn bộ khu công nghiệp và người dân huyện Việt Yên được lấy mẫu xét nghiệm. Huyện Việt Yên có 200.000 dân, thêm 100.000 công nhân lao động đến từ 57 tỉnh, thành trên cả nước. Hiện Bắc Giang đã gửi danh sách cho các tỉnh, để tiến hành giám sát.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khi trực tiếp đến KCN Quang Châu thị sát phòng dịch sáng 18/5 đã đề nghị tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với những khu vực nguy cơ, riêng Việt Yên phải phong toả, nâng cấp độ cao hơn. "Thà mình làm sớm, làm mạnh hơn còn hơn đuổi theo dịch" – ông nói.
PGS Trần Như Dương đề nghị Bắc Giang "phải chắt chiu từng giờ, từng ngày để thực hiện cách ly đúng nghĩa, nếu không thì sẽ lãng phí nguồn lực". Ông chia sẻ bài học từ Hải Dương, bên trong khu vực phong toả phải triệt để, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh để mọi người đảm bảo tuân thủ phòng dịch hiệu quả.
Tồn đọng 70.000 mẫu lấy rồi nhưng chưa xét nghiệm
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết với sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh bạn, tốc độ lấy mẫu của Bắc Giang hiện khoảng 60.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, tỉnh đang tồn đọng 70.000 mẫu lấy rồi nhưng chưa xét nghiệm. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị Bắc Giang phải thực hiện cả xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm khẳng định.
Đến thăm, động viên Bệnh viện Dã chiến số 1 Bắc Giang (trên cơ sở Bệnh viện Nội tiết). Nơi đây đang điều trị 165 bệnh nhân COVID-19, với 137 cán bộ y tế, chỉ còn 6 giường trống. Bệnh viện xác định chỉ điều trị bệnh nhân COVID-19 cơ bản, số bệnh nhân nặng sẽ được chuyển sang điều trị ở bệnh viện khác.
Động viên lãnh đạo và cán bộ Bệnh viện giữ vững tinh thần quyết tâm, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế thiết lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa để giúp đỡ điều trị, thiết lập phòng Điều trị tích cực (ICU) riêng điều trị bệnh nhân nặng tại chỗ, hạn chế không chuyển lên Hà Nội.
"Đảm bảo dinh dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân, nhân viên y tế, không để lây nhiễm từ bệnh nhân sang nhân viên y tế và giữa các nhân viên y tế với nhau. Nếu không sẽ rất nguy hiểm" – Bộ trưởng lưu ý việc cách ly trong bệnh viện phải rất nghiêm, tuyệt đối không có giao tiếp cộng đồng.
"Yên tâm, Bộ Y tế luôn sát cánh cùng các đồng chí" – Bộ trưởng nhấn mạnh với lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến số 1 Bắc Giang.