Nam sinh trường y bàng hoàng khi biết mình không thể làm bố
Chia sẻ trên báo chí, Bá Kiên (22 tuổi, quê Hà Giang), hiện là sinh viên một trường y ở Hà Nội cho biết, mới đây anh cùng bạn đi hiến tinh trùng, đồng thời kết hợp kiểm tra sức khỏe sinh sản tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội.
Tại đây, sau khi kiểm tra sức khỏe, Kiên được đưa di lấy tinh dịch để làm xét nghiệm chất lượng tinh trùng. Nếu đủ điều kiện, Kiên sẽ quay lại hiến tinh trùng để lưu trữ trong ngân hàng tinh trùng của bệnh viện này.
Chỉ một ngày sau, nam sinh nhận được thông báo từ bệnh viện, đề nghị Kiên đi khám nam khoa gấp, vì trong tinh dịch không hề có tinh trùng. Kết quả khám sau đó cũng khẳng định điều này và chẩn đoán chàng trai 22 tuổi bị vô sinh.
Bác sĩ Mạnh cho biết, rất nhiều người khỏe mạnh nhưng tinh dịch không có tinh trùng. Ảnh: Vtcnews.
Nhận tin này, Kiên vô cùng lo lắng, vì cậu là con trai một, hơn nữa, bạn gái Kiên cũng là con gái duy nhất trong gia đình cô. Hai người đã yêu nhau 5 năm, dự định sẽ tổ chức đám cưới sau khi học xong. Do vậy, Kiên bấn loạn không biết phải làm sao, vì nếu biết tin mình bị vô sinh, khả năng bạn gái chia tay là rất cao.
Trả lời trên báo Vtcnews, bác sĩ Hà Ngọc Mạnh (PGĐ BV Nam học và Hiếm muộn Việt-Bỉ) cho biết, tình trạng không có tinh trùng trong tinh dịch là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới và chỉ được phát hiện qua xét nghiệm, phân tích tinh dịch đồ.
Đáng nói, tình trạng này đang diễn ra phổ biến, ngay cả những nam giới khỏe mạnh, cao ráo, có hoạt động tình dục tốt. Do vậy, khi nhận thông báo vô sinh, nhiều người vô cùng bất ngờ.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo bác sĩ Mạnh, có thể do tắc nghẽn ở mào tinh, ống dẫn tính hay ống phóng tinh. Khi đó tinh dịch vẫn có nhưng lại không có tinh trùng. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Klinefelter (47-XXY) hay bất thường di truyền. Không tinh trùng cũng có thể mắc phải sau khi điều trị ung thư, quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn. Rối loạn hoạt động của đường dẫn tinh cũng là một trong những yếu tố dẫn tới không có tinh trùng, thường gặp nhất là xuất tinh ngược dòng (chiếm khoảng 3% nguyên nhân vô sinh).
Hiến tinh trùng thực hiện ra sao?
Chia sẻ về việc hiến tinh trùng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô - Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, việc hiến tinh trùng là một hành động ý nghĩa, nhân văn. Tuy nhiên, khi thực hiện phải thực hiện đúng theo các quy định hiện hành. Cụ thể:
Người hiến phải tuyệt đối vô danh: Sau khi hiến và thu được mẫu tinh trùng đảm bảo chất lượng, toàn bộ thông tin của người cho sẽ được xóa bỏ. Tại ngân hàng, mẫu tinh trùng được mã hóa bằng con số.
Trường hợp người nhận đi cùng người hiến đến cơ sở y tế, người nhận cũng không được phép dùng ngay mẫu tinh trùng này để thụ thai. Khi đó, mẫu tinh trùng sẽ được đổi, thay thế bằng một mẫu ngẫu nhiên khác đang lưu giữ tại ngân hàng.
Người đi hiến tinh trung phải tuyệt đối vô danh và chỉ được hiến một lần duy nhất. Ảnh minh họa.
Do đó, đứa con sau khi được thụ thai thành công từ mẫu tinh trùng hiến tặng vĩnh viễn không thể biết được ai là người bố sinh học của mình, kể cả trong các trường hợp bắt buộc phải tìm huyết thống để chữa bệnh như ghép tạng, ghép tủy... Một số trường hợp người đến hiến yêu cầu muốn biết người nhận là ai, các bác sĩ cũng không được phép tiết lộ.
Chỉ được hiến tinh trùng một lần: Theo quy định hiện hành, việc hiến tinh trùng chỉ được thực hiện một lần duy nhất, và chỉ sử dụng cho một người. Do đó, nguy cơ hôn nhân cận huyết là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, điều này chỉ đảm bảo nếu việc cho và nhận được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm y tế uy tín được cấp phép; tinh trùng rõ nguồn gốc, chất lượng đã được sàng lọc cẩn thận.
Để tránh những vấn đề pháp lý, cũng như tránh tình trạng hôn nhân cận huyết thống về sau, bác sĩ khuyến cáo người cho và người nhận tinh trùng nên đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín thực hiện để đảm bảo đứa con được hình thành từ tinh trùng khỏe mạnh nhất.