TP.HCM: Nguy cơ dịch chồng dịch

Số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết ở TP.HCM đang tăng nhanh, nhiều trường hợp bệnh nặng. Ngành y tế lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch có thể xảy ra, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Ngày 6/6, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết, tại khoa đang điều trị cho 24 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 2 trẻ ở mức độ nặng. Trường hợp nặng nhất đang được nằm tại phòng cấp cứu, theo dõi, điều trị liên tục là bệnh nhi ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM với chẩn đoán mắc TCM độ 2B. Sau 3 ngày nhập viện, tình trạng của bé đang dần cải thiện.

Ngày 6/6, Sở Y tế TPHCM cho biết đã đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chủ động thực hiện chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh; tăng cường giám sát hoạt động phòng chống TCM tại các trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn...

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, BS Nguyễn Đình Quy, Phó khoa Nhiễm, cho biết, tại đây đang điều trị cho 23 bệnh nhân TCM và 5 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH). “Số trẻ mắc 2 loại bệnh trên đang có xu hướng gia tăng so với tháng trước. Đến thời điểm hiện tại, thuốc và vật tư hóa chất phục vụ điều trị đang được đáp ứng đủ. Chúng tôi đang chủ động tập huấn chuyên môn để nâng cao năng lực ứng phó trong tình huống dịch bệnh tăng cao”.

Ngoài số bệnh nhân điều trị nội trú, các bệnh viện nhi đồng đang ghi nhận sự gia tăng của nhóm bệnh nhi đến khám và điều trị ngoại trú liên quan cả bệnh SXH và TCM. Số người lớn mắc SXH cũng đang gia tăng.

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) ngày 6/6, số trẻ em mắc bệnh TCM tăng nhanh từ tuần 19 đến tuần 22. Nếu tuần 19 chỉ có gần 100 trẻ mắc TCM thì đến tuần 22 đã ghi nhận hơn 250 bệnh nhi.

TP.HCM: Nguy cơ dịch chồng dịch - Ảnh 2.

Sốt xuất huyết gia tăng đang đe dọa sức khỏe cộng đồng đặc biệt là người lớn tuổi có

Đáng lo ngại hơn, số ca mắc bệnh có diễn tiến nặng xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó, 1 ca tử vong là bệnh nhi ngụ tại tỉnh Kiên Giang đã được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Trước tình hình trên, ngành y tế TPHCM đã giải mã trình tự gien để truy tìm nguyên nhân.

Kết quả giải mã trình tự gien cho thấy, 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi có diễn tiến nặng đều dương tính với virus EV71 và đều có kiểu gien B5. Đây là kiểu gien của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007. Kiểu gien này cũng từng xuất hiện tại TPHCM vào các năm 2015 và 2018.

Cùng với TCM, bệnh SXH đang gia tăng. Mỗi tuần, thành phố ghi nhận 150 - 170 ca bệnh. Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã có hơn 7.600 bệnh nhân sốt xuất huyết. HCDC cho biết, thành phố mới chỉ xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhưng kết quả giám sát bệnh truyền nhiễm tại các phường, xã đã phát hiện 20 điểm nguy cơ (có loăng quăng) trong tổng số 39 điểm được giám sát (chiếm tỷ lệ hơn 50%). Theo quy luật diễn tiến dịch bệnh SXH hằng năm, mùa cao điểm bắt đầu vào cuối tháng 6 và kéo dài đến hết tháng 10.

HCDC lo ngại SXH sẽ tăng cao khi khu vực phía Nam bước vào mùa mưa, nếu mỗi hộ gia đình không quyết liệt diệt muỗi, loăng quăng để kiểm soát dịch. Cùng với nguy cơ bùng phát SXH, sự xuất hiện kiểu gien B5 của virus EV71 sẽ gia tăng số ca bệnh TCM mức độ nặng gây áp lực lên hệ thống thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm. HCDC nhận định, thời gian tới TPHCM đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch nếu không chủ động thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát cả TCM và SXH.