Theo đó, ống gây nôn, gọi tắt là ống nôn bao gồm 4 ống nhựa có đường kính từ 11-13mm, chiều dài khoảng hơn 50cm để đưa từ miệng vào dạ dày. Nó sẽ đóng vai trò như một đường ống giúp thức ăn được trào ngược ra ngoài.
Hình ảnh ống nôn giảm cân được quảng cáo trên mạng gồm 4 ống có đường kính từ 11-13mm
Theo những lời quảng cáo trên các trang buôn bán loại ống này, "bạn có thể nôn sạch trong vòng 2 hoặc 3 phút, trung bình, bạn có thể giảm hơn 5kg một tháng, mà không có cảm giác khó chịu khi sử dụng, và không có tác dụng phụ như việc nôn bằng cách móc họng". Lời quảng cáo đầy hấp dẫn này khiến cho nhiều người, đặc biệt là các cô gái luôn thích ăn nhiều nhưng lại không muốn tăng cân bị "mê hoặc". Thông tin từ một cơ sở kinh doanh loại ống nôn này cho biết doanh số bán sản phẩm này của họ lên tới 500 chiếc/tháng.
Hình ảnh cắt ra từ clip người phụ nữ dùng ống nôn để giảm cân lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc khiến dư luận xôn xao
Câu chuyện này đã có từ vài năm trước tại Trung Quốc, nhưng mấy năm trở lại đây, nó dường như ngày càng lan rộng. Mới đây nhất, một đoạn clip ghi lại cảnh người phụ nữ mua ống gây nôn trên mạng và tự nhét chiếc ống nhựa này dài 50cm, đường kính 11-13mm vào miệng xuống đến dạ dày để nôn, giảm cân đã gây xôn xao cộng đồng mạng.
Bác sĩ cảnh báo cách làm này rất vô lý và cực kỳ nguy hiểm
GS. Huang Hua, Trưởng khoa Phẫu thuật dạ dày của Bệnh viện Ung bướu thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Sức khỏe ngay cả trong y học, bệnh nhân dạ dày thường không được đặt ống thông dạ dày trước hoặc sau khi phẫu thuật, vì trải nghiệm của bệnh nhân đặt ống thông dạ dày rất khó chịu. Đối với một số ít bệnh nhân phải đặt ống thông dạ dày, người có chuyên môn cũng cần phải trải qua quá trình đào tạo lâu dài mới có thể đặt được ống.
"Chất liệu của ống thông dạ dày được sử dụng trong lâm sàng được chế tạo đặc biệt. Đầu ống thông dạ dày có hình tròn với đường kính chỉ khoảng 5mm. Đường kính của các ống nhựa được nhiều người dùng để gây nôn giảm cân như hiện nay là 11-22mm, nó quá lớn". Nếu không được đào tạo chuyên nghiệp, việc đưa một ống nhựa dày như vậy vào dạ dày có thể dễ dàng gây ra tổn thương cơ học cho cổ họng, khoang miệng, thực quản và niêm mạc dạ dày. "Đây chỉ đơn giản là hành vi bạo hành chính cơ thể của bản thân", GS. Huang Hua chia sẻ.
Ông nhắc nhở, dạ dày của chúng ta đang ở trong môi trường axit với nồng độ ion kali tương đối cao, nếu thường xuyên đưa ống vào sâu trong dạ dày, kích thích nhân tạo nôn mửa sẽ làm mất đi các ion axit và kali, gây mất cân bằng axit - bazơ và mất cân bằng điện giải nghiêm trọng. Điều này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim.
Hơn nữa, nôn mửa dữ dội sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ gây rách niêm mạc tim, nặng thì gây xuất huyết tiêu hóa. Đồng thời, nôn quá thường xuyên cũng có thể gây giãn cơ thắt tâm vị, dễ dẫn đến viêm thực quản trào ngược.
Theo tờ Kknews, về mặt tâm lý, việc nôn mửa và sụt cân trong thời gian dài cũng có thể gây ra các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Người sử dụng phương pháp ống nôn giảm cân có thể gặp phải tình trạng chán ăn, trầm cảm, lo lắng...
Trên thực tế, không ít trường hợp phải chữa bệnh do dùng ống gây nôn này. Vào tháng 12/2019, báo chí Trung Quốc đã từng đưa tin về trường hợp một cô gái 22 tuổi đến từ Quảng Châu phải nhập viện điều trị, sau khi kiểm tra thực quản, người ta phát hiện thấy một ống nhựa có đường kính lên tới 1.9cm và chiều dài 30cm nằm ở phía dưới dạ dày của cô.
Ống nôn được tìm thấy phía dưới dạ dày của cô gái 22 tuổi đến từ Quảng Châu
Cô gái nói rằng ống này được mua trên mạng để giúp cô giảm cân. Sau cuộc phẫu thuật dạ dày tốn rất nhiều thời gian và công sức, người ta phát hiện ra rằng ống nhựa này đã bị vỡ sau nhiều lần cô gái cố uốn cong và đưa vào dạ dày, khiến dạ dày, thực quản của cô gái này bị loét nghiêm trọng.
Ngoài ra, GS. Huang Hua cho biết có một ống ở cổ họng không thể xả chất nôn ra ngoài một cách thuận lợi, khiến chất nôn vào khí quản và gây ngạt thở, viêm phổi hít, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do ngạt thở. Quan trọng hơn, cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy việc gây nôn có thể giúp con người giảm cân.
Nguồn và ảnh: Sohu Health, Sina, China Press, Bilibili