Trên trang fanpage, Thuỷ Tiên cách đây không lâu đã đăng tải đoạn clip cho biết Công Vinh bị cảm, mất nước nên cô muốn truyền dịch hỗ trợ cho chồng hồi phục sức khỏe. Đáng chú ý là nữ ca sĩ tự tay mở chai nước biển, bắt ven, ghim kim truyền… mà không cần bất kì y bác sĩ, người có chuyên môn y tế giúp đỡ.
Theo như chia sẻ của nữ ca sĩ Thủy Tiên, từ năm 11 tuổi đã được mẹ truyền dạy kinh nghiệm sử dụng ống truyền và kim tiêm nên mới tự tin truyền nước cho Công Vinh. Mặc dù cô cho rằng đây chỉ là clip 2 vợ chồng quay và đăng tải lên mạng xã hội với mục đích "chia sẻ vui" chứ không có ý gì khác nhưng đã gây nổ ra cuộc tranh cãi. Ngay sau đó, nữ ca sĩ đã chủ động xoá bỏ clip.
Việc tự tay truyền dịch của Thủy Tiên cho Công Vinh gây nhiều tranh cãi
Trên thực tế, việc tự ý truyền dịch, truyền nước tại nhà không ít người vẫn làm. Với việc tự ý truyền dịch mà không phải y bác sĩ hay người có chuyên môn y tế thực hiện như trường hợp ca sĩ Thủy Tiên là điều nguy hiểm.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức – Đại học Y dược TP HCM, việc bổ sung nước khi cơ thể mất nước là cần thiết, lí tưởng nhất vẫn là theo đường uống. Mọi người có thể bù nước theo cách thông thường như với tỷ lệ 5g đường/100ml dung dịch, việc truyền một chai Gglucose 5% chỉ tương đương với việc uống gần một thìa cà phê đường hay truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ như uống một bát canh nhạt.
Không phải loại bệnh nào cũng được truyền dịch. Ở một số trường hợp người bệnh mất nước nặng không thể uống bổ sung nước cần phải truyền dịch song cần được bác sĩ chẩn đoán từ đó chỉ định dịch truyền phù hợp. Hơn nữa, bác sĩ tính toán liều lượng ra sao theo thể trạng và theo dõi quá trình truyền. Ngay các vật dụng, nơi truyền dịch phải có các trang thiết bị để xử lý kịp thời trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Mặc dù kĩ thuật truyền tuy khá đơn giản nhưng làm không đúng cách dễ gặp tai biến. Đã có những trường hợp gặp tai biến vì truyền dịch, thậm chí tử vong do bị sốc dịch truyền. Những tai biến khi tự truyền dịch tại nhà, truyền dịch không đúng cách có thể xảy ra như sưng đau vùng tiêm truyền, rối loạn về chuyển hóa khi đưa vào trong cơ thể một lượng dịch không cần thiết. Nặng nhất là người truyền bị sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Ngoài ra, kĩ thuật truyền không đúng, không đảm bảo vô trùng khi tự ý truyền dịch tại nhà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, C, HIV/AIDS,...
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, mọi người cần phải thay đổi quan niệm cứ thấy sốt, mệt mỏi là nghĩ tới truyền dịch. Sốt, mệt là triệu chứng của nhiều bệnh. Khi quyết định truyền dịch, bác sĩ cần phải xác định biểu hiện đó là do bệnh gì và có cần truyền dịch hay không. Trường hợp bắt buộc sẽ phải xem liều lượng, tốc độ truyền ra sao chứ không phải truyền sao cũng được. Với một số trường hợp như người bị bệnh tim mà truyền dịch với tốc độ quá cao gây tới tình trạng phù phổi vì quá tải.
Tùy theo nhóm truyền dịch mà bác sĩ lựa theo đối tượng. Chẳng hạn, nhóm cung cấp nước, điện giải như natri clorua 0,9%, lactate ringer… dùng trong trường hợp mất nước, máu khi bị bỏng, ngộ độc, tiêu chảy. Nhóm cung cấp chất đạm, béo, vitamin chỉ truyền cho đối tượng suy dinh dưỡng, phẫu thuật, không ăn theo đường miệng được… Do đó, việc tự ý truyền dịch, nhất là tự thực hiện khi không có chuyên môn sẽ vô cùng nguy hiểm. Truyền dịch ở nhà không có đủ phương tiện để xét nghiệm bệnh nhân thừa thiếu chất gì ở trong máu.
Các chuyên gia khuyến cáo, việc bồi bổ sức khỏe bằng truyền dịch hoa quả cũng cần thận trọng, không nên tùy ý. Nước hoa quả là một dung dịch chứa các vitamin tổng hợp giúp cải thiện sức đề kháng, ăn ngon nên chỉ dành cho những trường hợp sức khỏe yếu, thiếu vitamin trầm trọng… Người khỏe mạnh khi truyền dễ dẫn tới lười ăn, phù tim, thận do đột ngột đưa lượng nước, dinh dưỡng quá lớn vào cơ thể. Để tránh không xảy ra tai biến, trước khi đưa bất cứ thứ gì vào cơ thể nên thăm khám và được bác sĩ kê toa, xét nghiệm.