Thường niên, Tuần Lễ Tiêm Chủng (24 – 30/04) là dịp để ngành y tế toàn cầu nhắc nhở về tầm quan trọng của vắc xin trong việc kiểm soát và bảo vệ sức khoẻ con người khỏi các căn bệnh truyền nhiễm. Trong đó, không thể bỏ qua 2 “nỗi ám ảnh” với người bệnh và chuyên viên y tế là bệnh viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản.
Hiểu về bệnh viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản
Viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Não mô cầu - Neisseria meningitidis gây ra, dẫn dến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng màng não, màng bao bọc não và tủy sống. Bệnh lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc với dịch tiết hô hấp của người bệnh khi ho, hắt hơi, dùng chung thức uống hoặc lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc trên da, đồ dùng hằng ngày.
Trong khi đó, viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương do sự tấn công của vi rút viêm não Nhật Bản qua đường trung gian là muỗi đốt.
Cả viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản đều là những căn bệnh truyền nhiễm với những triệu chứng ban đầu thường gây nhầm lẫn với các bệnh cúm thông thường nên khó được phát hiện sớm. Cả 2 bệnh đều thường gặp ở trẻ nhỏ và gây ra tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bệnh.
Viêm màng não do não mô cầu diễn tiến nhanh và có thể gây tử vong trong vòng 24h. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao từ 8-15%, thậm chí có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi đã được điều trị, có đến 2 trên 10 bệnh nhân sống sót xuất hiện các di chứng như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt, đoạn chi1.
Với bệnh Viêm não Nhật Bản, ước tính có đến 30% số người mắc bệnh sẽ tử vong sau khi nhập viện, 50% người còn sống phải chịu những di chứng nặng nề về thần kinh và vận động2. Các di chứng có thể gặp là liệt một phần cơ thể, giảm khả năng nhận thức và học tập hoặc thường bị những cơn co giật, động kinh bất thường. Những di chứng thần kinh này là một thiệt thòi lớn cho những trẻ em không may mắc phải Viêm não Nhật Bản.
Biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Ngoài các biện pháp phòng bệnh chung, chủng ngừa là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản.
Vắc xin phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu gồm có hai loại. Một là vắc xin não mô cầu 2 thành phần nhóm huyết thanh B & C, tiêm 2 liều, bắt đầu được tiêm từ khi trẻ 6 tháng, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 8 tuần. Hai là, vắc xin não mô cầu cộng hợp 4 thành phần nhóm huyết thanh A, C, Y và W dùng cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 2 tuổi, tiêm 2 liều, cách nhau 3 tháng; với đối tượng từ 2 tuổi trở lên chỉ tiêm 1 liều.
Để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản, hiện nay tại Việt Nam có các loại vắc xin như sau:
- Vắc xin VNNB miễn phí trong chương trình Tiêm Chủng Mở Rộng: Vắc-xin bất hoạt điều chế từ não chuột. Đây là vắc-xin được sử dụng cho trẻ em từ 1-5 tuổi, sau chương trình trẻ cần được tiêm nhắc để duy trì hiệu quả bảo vệ cho đến khi trẻ được 15 tuổi.
- Đối với vắc xin ngoài chương trình TCMR hiện nay đã có: vắc xin bất hoạt điều chế từ tế bào Vero và vắc xin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp. Vắc xin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp được sử dụng ở trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, với lịch tiêm đơn giản và ít mũi hơn, bao gồm: 1 liều cơ bản và 1 liều nhắc sau 1 năm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 18 tuổi.
Số liệu thống kê cho thấy, hầu hết các ca mắc bệnh đều là do không tiêm vắc xin, không tiêm đủ mũi và không tiêm mũi nhắc. Chính vì vậy, tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch luôn là khuyến cáo hàng đầu từ các cơ quan y tế, nhằm bảo vệ trẻ và cả gia đình khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đảm bảo sự phát triển bình thường và khoẻ mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần.