Cụ thể, vào 2 tháng trước, nữ sinh 16 tuổi tên Hân (Trung Quốc) từng bị chó cắn, vết thương không nghiêm trọng, không chảy máu nhưng để đảm bảo an toàn, gia đình đã đưa cô đi tiêm phòng dại.
Hai tháng sau tiêm, sức khỏe của Hân không có gì bất thường, cô vẫn học tập và sinh hoạt bình thường. Cho đến gần đây, cô đột nhiên bị xuống cân, xanh xao hơn, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi và có dấu hiệu bị sốt. Bố của Hân cho rằng con áp lực do học hành và chỉ bị ốm qua loa nên tự mua thuốc hạ sốt cho cô uống.
Loại thuốc thứ nhất được dùng không có kết quả, cô vẫn sốt cao trên 39 độ trong 2 ngày. Theo cảm tính, bố Hân lại tới hiệu thuốc mua loại thuốc khác với liều lượng cao hơn, kèm theo cả thuốc cảm để đề phòng cô bị cảm lạnh. Lần này không những không hạ sốt mà tinh thần của cô càng thêm sa sút, mệt mỏi, không thể ăn uống chứ đừng nói đến tập trung học hành.
Ảnh minh họa.
Đang ăn tối thì cô bỗng nôn mửa dữ dội, nôn ra cả mật vàng, sắc mặt tái nhợt, toàn thân không còn sức lực, bố mẹ hốt hoảng gọi xe cấp cứu đưa Hân đến bệnh viện gần nhất.
Bác sĩ điều trị dựa vào triệu chứng ban đầu, nghi ngờ cô bị viêm gan cấp tính, làm thêm các kiểm tra bước đầu thì loại bỏ khả năng mắc các bệnh (được phỏng đoán) dựa trên triệu chứng hiện tại như viêm gan, bệnh dại, bệnh phụ khoa, viêm phổi, nhiễm trùng amidan. Bác sĩ cũng bắt đầu trở nên bối rối, ông yêu cầu cho Hân lấy máu xét nghiệm và chụp CT đầu, ngực để có kết quả chính xác hơn.
Sau 30 phút, cô bắt đầu có thêm biểu hiện đau đầu và tinh thần bất ổn khi tự nói chuyện 1 mình trong nhà vệ sinh của bệnh viện. Kết quả CT không có xuất huyết hay khối u, nhưng có một số tổn thương không rõ tại vùng não, khó khăn là tình trạng của Hân lại không thể chịu nổi việc chụp thêm cộng hưởng từ (MRT).
Trong lúc đó, Hân xuất hiện triệu chứng mới như chân tay co giật không tự chủ, sùi bọt mép, suy hô hấp, phải chuyển đến phòng cấp cứu và đặt ống nội khí quản, tiêm thuốc an thần.
Tại đây, cô được chọc dò thắt lưng để xét nghiệm dịch não tủy, kết quả chỉ ra cô dương tính với viêm não Nhật Bản, nguyên nhân lây nhiễm là do muỗi đốt. May mắn là sau 1 tuần điều trị đúng phác đồ, đỉnh nhiệt giảm dần, Hân cũng không còn sốt nữa. Sau 2 tuần điều trị, hiện tại trí óc và tinh thần của cô cơ bản đã trở lại bình thường, nhưng 2 chân yếu đi rất nhiều, khó có thể phục hồi để đi lại bình thường như trước. Bố mẹ Hân vô cùng hối hận vì đã không đưa con đến bệnh viện sớm hơn.
Qua trường hợp của Hân, các bác sĩ nhấn mạnh rằng đừng coi nhẹ những cơn sốt, đặc biệt là vào mùa thu hay hè, khi các loại muỗi và dịch bệnh lây nhiễm qua loài này phát triển mạnh. Cũng đừng mua thuốc theo cảm tính dù với bất kỳ loại bệnh nào, đặc biệt là sử dụng nhiều đơn thuốc cùng lúc có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong, biểu hiện lâm sàng là sốt cao, đau đầu, nôn mửa, buồn ngủ… chúng ta phải cảnh giác, có các triệu chứng này hãy đến bệnh viện thăm khám. Vào mùa hè và mùa thu, chú ý phòng chống muỗi và nhớ tuân thủ đúng quy trình tiêm phòng viêm não Nhật Bản với trẻ trên 9 tháng đến 15 tuổi để phòng tránh hiệu quả căn bệnh đáng sợ này.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Asia One, Healthline