Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố, 7 ổ dịch đã được kiểm soát và không ghi nhận ca mắc, bao gồm: Chùm ca bệnh liên quan đến Hà Nam; Vĩnh Phúc; người Ấn Độ tại tòa Park 10 KĐT Times City; chùm ca bệnh liên quan chuyến bay VN160; chùm ca bệnh liên quan BV Bệnh nhiệt đới TW 2; chùm ca bệnh liên quan tỉnh Hưng Yên; Bắc Ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh 7 ổ dịch được kiểm soát và không ghi nhận ca mắc mới thì 4 ổ dịch mới phát sinh tại Hà Nội rất khó lường, bao gồm: chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây tại Park 10 KĐT Times City và Công ty T&T; chùm ca bệnh người Ấn Độ tại Park 9 KĐT Times City; chùm ca bệnh liên quan Hải Dương; BV Bắc Thăng Long.
Ngoài ra, 2 chùm ca bệnh cũ vẫn ghi nhận ca mắc là chùm ca bệnh liên quan đến TP Đà Nẵng và liên quan Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Theo Sở Y tế Hà Nội, phương án tối ưu để khóa chặt nguồn lây vẫn là khoanh vùng, truy vết, 5K và vắc-xin. Đến nay, 7 trên 9 chùm ca bệnh cũ đã được khống chế, không ghi nhận ca mắc mới.
Sở Y tế Hà Nội nhận định, đây là những chùm bệnh phức tạp, có nhiều ca mắc. Đặc biệt là chùm ca bệnh liên quan đến Công ty T&T và KĐT Times City có nhiều người làm việc và sinh sống. Việc quản lý chung cư cao tầng, văn phòng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ.
Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất cao. Bởi thứ nhất, tình dịch dịch bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn diễn biến phức tạp khi mỗi ngày, số ca mắc tại Bắc Giang lên đến hàng trăm ca, đây cũng là nơi có nhiều công nhân cư trú ở Hà Nội. Thứ hai, kết quả giải trình gen của 17 mẫu bệnh phẩm đều là chủng gây bệnh ở Ấn Độ (B.1.617.2) có tốc độ lây lan rất nhanh, nhất là ở người trẻ tuổi.
Sở Y tế cho biết, hiện mầm bệnh đã tồn tại ngoài cộng đồng nên thời gian tới có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới và 2 bệnh viện của Hà Nội tiếp nhận điều trị F0 có thể có lây nhiễm cho cán bộ y tế, lây nhiễm từ việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Trước tình hình dịch cấp bách, Sở Y tế cho rằng, phương án tối ưu mà đơn vị đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai chính là khoanh vùng, truy vết kết hợp 5K + vắc-xin.
Cụ thể, đơn vị đã triển khai phong tỏa 42 điểm tại 17 quận, huyện, thị xã với khoảng 23.000 người.
Đã rà soát được 473 người làm việc tại các KCN Bắc Giang và hơn 3.000 người làm việc các KCN Bắc Ninh nhưng cư trú trên đia bàn Hà Nội. Những đối tượng này đã được giao quản lý, theo dõi, giám sát đến từng Tổ COVID cộng đồng.
Song song đó là đẩy nhanh công tác xét nghiệm (từ 29/4 đến nay, đã xét nghiệm cho 105.835 người); siết chặt quản lý các khu cách ly tập trung, cách ly người nhập cảnh và các cơ sở y tế, khám chữa bệnh.
Theo Sở Y tế, để đối phó với tình huống dịch bệnh lan rộng, đơn vị đã xây dựng phương án thu dung, điều trị theo các cấp độ có 300, 500 đến 1.000 ca F0 và tiếp tục mở rộng năng lực thu dung, điều trị.
Đặc biệt, ngành y tế Hà Nội đã xây dựng phương án chuyển trạng thái chỉ điều trị bệnh nhân COVID-19 đối với Bệnh viện Gia Lâm, BV YHCT Hà Nội, BV Phổi Hà Nội…
Sở Y tế đã "khoanh vùng" những nơi có nguy cơ cao là Hoàng Mai, Gia Lâm, Long Biên, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Trì, Phúc Thọ, Thanh Xuân, Hà Đông... Do đó, để đảm bảo an toàn trước dịch, người dân cần tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, các yêu cầu của Chính phủ, UBND TP Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch.
Trước đó, ngoài việc thần tốc xử lý các ca bệnh, ổ dịch mới phát sinh, kiểm soát sự lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung, trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trong các khu cụm công nghiệp và mở rộng xét nghiệm sàng lọc… Hà Nội đã ra công văn hỏa tốc, khẩn cấp yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương từ 12h ngày 25/5 phải tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể là nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Dừng hoạt động các chợ, nơi tập trung đông người.
Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng. Theo đó, người đứng cấp cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình phụ trách.