Đau bụng là triệu chứng bình thường mỗi lần con gái đến kỳ kinh nguyệt. Trước tình trạng này, hầu hết mọi người sẽ lựa chọn cách chịu đựng vì nghĩ sau khi sinh con triệu chứng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, cần phải biết rằng, cơn đau bụng kinh cũng là triệu chứng báo hiệu bệnh lý.
Tiểu Trần, 25 tuổi thường xuyên có những cơn đau bụng kinh trong vòng 8 năm. Cô bắt đầu từ cảm giác hơi đau, chướng bụng đến đau dữ dội, thậm chí nôn mửa, tiêu chảy và gần như ngất xỉu. Những lúc đó, Tiểu Trần sẽ uống một viên thuốc giảm đau.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, càng về sau, chứng đau bụng kinh của Tiểu Trần ngày càng trầm trọng hơn. Nhưng gia đình cũng chỉ coi đó là triệu chứng con gái vào kỳ kinh nguyệt sẽ mắc phải nên cũng không quan tâm và không đến bệnh viện khám.
Vào mùa thu năm nay, Tiểu Trần và bạn trai kết hôn. Trước khi kết hôn, họ đã đi khám tổng thể sức khỏe. Kết quả khám bệnh khiến Tiểu Trần thực sự hoảng hốt và buồn bã vì bác sĩ phát hiện cô có một khối u nang to 10cm.
Ảnh: BV ĐKQT Vinmec
Đây là u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung. "Nói một cách đơn giản, nó có nghĩa là nội mạc của tử cung 'chạy đến' buồng trứng và tạo thành u nang, do chất lỏng trong u nang có màu như socola, nên có thể gọi là u nang socola", bác sĩ tham gia điều trị Trang Hiệp Yến giải thích.
Vì khối u quá lớn nên sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Sau khi trao đổi kỹ với gia đình, các bác sĩ quyết định phẫu thuật ngay lập tức.
Đau bụng kinh cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm
Bác sĩ Trang chia sẻ còn chia sẻ thêm về vấn đề đau bụng kinh. Đau bụng kinh chia ra làm nguyên phát và thứ phát.
Đau bụng kinh nguyên phát chủ yếu xảy ra ở những người bị đau bụng kinh khi bắt đầu hành kinh và chủ yếu ở phụ nữ chưa mang thai. Trong suốt giai đoạn hành kinh, tử cung của người phụ nữ sẽ co bóp thường xuyên để tống hết các phần tử niêm mạc tử cung đã bị hoại tử ra bên ngoài, tạo ra máu kinh nguyệt. Đau bụng kinh nguyên phát thường sẽ cải thiện hơn khi phụ nữ lớn tuổi, nhất là sau khi có con.
Đau bụng kinh thứ phát ít gặp hơn, gây ra bởi một bệnh lý nào đó, trong đó có lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu… Đau bụng kinh thứ phát có thể đi kèm các triệu chứng như: kinh nguyệt không đều, ra máu bất thường giữa các lần hành kinh, đau dữ dội khi quan hệ, khí hư ra nhiều hoặc có mùi hôi.
Ngoài ra, bác sĩ cũng nhắc nhở đa số các bạn nữ nếu cơn đau kéo dài vài ngày hay vài tháng thì đừng tự ý uống thuốc giảm đau. Nó có thể giúp làm giảm cơn đau tạm thời nhưng không điều trị được tận gốc. Muốn biết gốc rễ cơn đau bụng kinh thì phải đi khám phụ khoa, siêu âm B…
Nguồn: QQ, Seventeen, Bệnh viện ĐKQT Vinmec