Trường hợp tương tự cũng xảy ra với 1 người đàn ông tên Lu, 30 tuổi ở Đài Loan. Do cơ thể vốn cao lớn, thân hình mập mạp, nên khi phát hiện cổ mình có dấu hiệu phì đại, anh Lu chỉ cho rằng mình đang bị tăng cân, cần phải kiểm soát nếu không sẽ béo phì.
Một thời gian sau, anh bắt đầu lo lắng khi cổ bắt đầu sưng tấy, đôi lúc cảm thấy khó thở, giọng nói cũng bị trầm khàn một cách bất thường. Anh sắp xếp đến bệnh viện để thăm khám, sau khi chụp CT thì các bác sĩ phát hiện có túi tuyến giáp dài 5x4cm ở cổ trái của anh Lu, nghi ngờ là khối u ác tính.
Do có một số vị trí bị vôi hóa, khó để kết luận bằng hình ảnh CT nên anh được tiến hành chọc hút FNA để kiểm tra sinh thiết, kết quả cuối cùng là anh Lu bị ung thư tuyến giáp, buộc phải phẫu thuật gấp.
Phòng mổ được chuẩn bị ngay lập tức, anh Lu cũng đủ sức khỏe để tiến hành cắt bỏ khối u, may mắn là cuộc phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, tình trạng hồi phục của anh sau đó cũng vô cùng tích cực. Anh Lu rất hối hận vì trước đó đã không quan tâm đến những thay đổi về sức khỏe của mình, cũng may là thời điểm phát hiện để điều trị không quá muộn.
Bác sĩ cảnh báo: Cẩn trọng với những dấu hiệu sớm của ung thư tuyến giáp!
Theo thông tin từ Trung tâm Thống kê Thông tin Ung thư Hồng Kông, tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở nữ giới cao hơn hẳn nam giới. Bác sĩ tai mũi họng nổi tiếng Li Shangyi của Hồng Kông chỉ ra rằng, các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Những cục u thường xuất hiện ở một bên và di chuyển lên xuống khi nuốt. Nếu khối u quá lớn có thể chèn ép khí quản và thực quản, gây khó thở, khó nuốt, nếu khối u xâm lấn vào dây thần kinh thanh quản sẽ dẫn đến khàn tiếng.
Ông cũng cho biết thêm, trên lâm sàng không thể phân biệt được ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu với các khối u lành tính, do đó, khi phát hiện ra khối u tuyến giáp, chọc hút bằng kim được sử dụng để xác định xác suất lành tính hay ác tính qua xét nghiệm sinh thiết.
Hiện tại, vẫn chưa có báo cáo hay tài liệu khoa học chính thức nào chỉ ra nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp, nhưng về cơ bản, nhóm nguy cơ cao mắc bệnh này gồm:
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp.
- Người từng bị nhiễm phóng xạ hoặc sống và làm việc trong vùng có phóng xạ.
- Người có chế độ ăn thiếu hoặc thừa iốt.
- Người bị bệnh bướu nhân tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh Basedow, suy giáp.
- Người từng xạ trị vùng đầu, cổ.
- Người béo phì hoặc thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá...
Nguồn và ảnh: Skypost, Healthline