Thời gian gần đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca bệnh ngộ độc nghiêm trọng, trong đó có những trường hợp khó thở và hôn mê, liên quan đến việc sử dụng loại nước được quảng bá là có khả năng chữa bách bệnh. Một trong số đó là bệnh nhân P.T.M (60 tuổi), đến từ Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, chân tay bủn rủn, nôn mửa liên tục và được chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa và hạ kali.
Bệnh nhân bỏ chạy thận, uống “nước” chữa bệnh, hôn mê phải đặt nội khí quản, thở máy.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số kali của bệnh nhân chỉ còn 2,64 mmol/l, thấp hơn mức cho phép, cùng với tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa. Theo lời kể của bệnh nhân, do mắc nhiều bệnh lý như dạ dày, tá tràng, đại tràng và u tuyến giáp, chị đã nghe theo lời truyền miệng về một địa chỉ cung cấp nước chữa bách bệnh nên đã tìm đến để chữa bệnh.
Khi đến địa chỉ trên, chị M. không hề được khám sức khỏe trước khi được hướng dẫn uống nước từ máy lọc, với khuyến cáo uống từ 5 - 6 lít mỗi ngày trong 10 - 15 ngày và không được ăn gì. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày, chị đã phải nhập viện cấp cứu do không thể đứng vững và nôn mửa liên tục.
Bệnh nhân uống “nước” chữa bệnh đã qua cơn nguy kịch được rút ống thở
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một nhóm bệnh nhân khác sử dụng loại nước tương tự, dẫn đến tình trạng suy thận và phải chạy thận nhân tạo. Những bệnh nhân này đã tự ý ngừng điều trị tại bệnh viện để uống nước kiềm và chỉ sau vài ngày đã xuất hiện triệu chứng khó thở, hôn mê, phải đi cấp cứu.
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), việc uống quá nhiều nước, kể cả nước lọc, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như phù phổi, hạ natri máu, và thậm chí tử vong. BS Nguyên khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn uống đa dạng và không nên tùy tiện uống quá nhiều bất kỳ loại nước nào.