Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học, ĐH Bách khoa Hà Nội), một người khỏe mạnh bình thường hoàn toàn có thể bị ngộ độc rượu sau khi uống rượu chứa methanol, nếu uống chừng 150 mgr methanol thì nạn nhân có nguy cơ tử vong cực cao.
Điều đáng sợ nhất của hiện tượng ngộ độc rượu là bệnh nhân chỉ nghĩ mình say rượu. Về bản chất hiện tượng say rượu cũng chính là một dạng ngộ độc nhẹ. Do đó để giảm tác hại rượu, bia cũng như giảm mức độ say, người dân có thể áp dụng các cách sau:
Ăn trước khi uống
Viện Dinh dưỡng quốc gia dẫn ý kiến của PGS-TS Cao Thị Thu Hương cho biết trước khi uống rượu người tiêu dùng nên uống nước lọc, nước quả, nước súp/súp hoặc nước canh. Ngoài ra cần ăn thức ăn khác, đặc biệt là rau xanh để pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày.
Bên cạnh đó, nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Ăn trước khi uống rượu bia, uống thật nhiều nước... là những cách chống lại những cơn say rượu trong dịp tết đến xuân về. Ảnh: Internet
Uống thật nhiều nước
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, nhiều người tin rằng thuốc giải rượu có tác dụng “đánh bật” cơn say trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, thực chất các loại sản phẩm giải rượu, bia trên thị trường hiện nay có tác dụng chính là hỗ trợ một phần quá trình chuyển hóa rượu thông qua việc bổ sung một số vitamin, muối, đường… cho cơ thể.
Hiện chưa có kết quả nghiên cứu nào khẳng định các loại thuốc giải rượu có tác dụng đào thải nồng độ cồn về 0.
“Trong trường hợp muốn giảm say rượu thì có thể uống nước lọc, nước đậu xanh, atisô, nhân trần… nhằm cung cấp lượng nước lớn cho cơ thể, giúp quá trình đào thải rượu nhanh chóng qua đường tiểu”.
Tuy nhiên, không nên uống các loại nước có chứa caffeine (cà phê và trà) sau khi uống rượu bia. Sự kết hợp giữa caffeine và cồn không có sự trung hòa giữa chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố (Oxic Jock Syndrome).
Uống từ từ, vừa phải
Để giảm tác hại của đồ uống có cồn cũng như giảm mức say, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân khi uống rượu, bia… cần uống từ từ chậm rãi. Điều này nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu.