Theo ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng, Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Hữu Nghị, suy thận đang có xu hướng trẻ hóa và người bệnh có tâm lý chủ quan bỏ qua các dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Hiện nay, có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi tới thăm khám do mệt mỏi và được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Bệnh suy thận thường được phát hiện ở giai đoạn muộn do các tổn thương âm thầm, ít có biểu hiện. Do vậy, người bệnh dần dần sẽ thích nghi với các biểu hiện này hoặc có tâm lý chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Thông thường, rất ít người bệnh phát hiện được suy thận ở giai đoạn sớm.
(Ảnh minh họa).
Suy thận là hậu quả của rất nhiều bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… Bên cạnh đó còn do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh.
Đặc biệt, là các trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng hầu hết là do bệnh nhân tự ý sử dụng.
Ngoài ra, còn có bệnh lý đường tiết niệu dẫn tới suy thận như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu… Một số bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận…
Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ngoài các nguyên nhân truyền thống như: bệnh lý về di truyền, nhiễm trùng, đái tháo đường, lối sống ít vận động, không khoa học cũng trở thành yếu tố nguy cơ đặc trưng của thời đại 4.0.
Lối sống đô thị hóa, chế độ ăn giàu năng lượng, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn với nhiều chất bảo quản, lạm dụng rượu bia và lười vận động là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận.
Cũng theo bác sĩ, nhiều người trẻ vì thấy mình khỏe mạnh nên rất chủ quan, không đi khám sức khỏe. Sự chủ quan này dẫn đến việc không thể phát hiện sớm tình trạng suy thận khi chỉ ở giai đoạn đầu, bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị bệnh.
Chuyên gia cảnh báo, suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Để hạn chế nguy cơ suy thận mạn tính, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ…
Đối với những người bệnh mắc các bệnh lý nguy cơ như viêm cầu thận mạn, thận đa nang, viêm thận bể thận mạn do sỏi, lupus, đái tháo đường, tăng huyết áp… thì phải theo dõi và điều trị để phòng biến chứng dẫn đến suy thận.
Đặc biệt, cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời, tránh để các bệnh lý về thận diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính.