Theo TS. BS. Bùi Văn Tân, Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lipid máu hay còn được gọi là “mỡ máu”, là một thành phần quan trọng trong cơ thể. Trong thực tế, lipid máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol.
Có hai loại cholesterol chính là loại “tốt” và loại “xấu”. Chúng ta cần hiểu rõ sự khác nhau giữa hai loại này và hiểu biết về nồng độ của chúng trong máu của bạn như thế nào là tối ưu. Nếu loại xấu tăng nhiều quá hoặc mất cân đối giữa hai loại là nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não... Cholesterol có từ hai nguồn: do cơ thể bạn tổng hợp và từ thức ăn. Nguồn từ cơ thể (tổng hợp từ gan và các cơ quan khác) chiếm khoảng 75% tổng số lượng cholestrol trong máu của bạn, còn lại từ nguồn thức ăn. Hiện nay, cholesterol chỉ thấy ở trong thức ăn có nguồn gốc từ động vật.
(Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, một thành phần khác của lipid máu cần được quan tâm là triglycerid.
Tăng cholesterol máu đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đối với các bệnh tim mạch (bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não). Thông thường có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hay đi kèm nhau và thúc đẩy nhau tiến triển. Khi bạn có nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp sẽ làm nguy cơ bệnh tim mạch của bạn tăng lên gấp nhiều lần.
Khi có quá nhiều cholesterol lưu thông trong máu, nó sẽ từ từ lắng đọng vào thành các mạch máu. Cùng với một số chất khác, nó sẽ hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm lòng mạch của bạn bị hẹp dần hoặc tắc hoàn toàn.
Xơ vữa động mạch là thuật ngữ được dùng để mô tả quá trình lắng đọng các chất béo, cholesterol, sản phẩm thoái giáng của tế bào, lắng đọng calci và sợi đông máu (fibrin) ở trong thành động mạch. Quá trình xơ vữa động mạch cũng được thấy gia tăng theo tuổi, có liên quan yếu tố gia đình và ở một số người có các nguy cơ tim mạch khác (ngoài việc rối loạn lipid máu) như đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp…
Theo bác sĩ, thực tế hầu hết trường hợp máu nhiễm mỡ là những người thừa cân, béo phì, có hàm lượng cholesterol trong máu cao do ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Thế nhưng người gầy cũng có thể mắc bệnh này song nguyên nhân gây bệnh là do yếu tố di truyền và rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Khi cơ thể bị rối loạn chuyển hóa lipid máu thì bất kể người thừa cân béo phì hay người gầy cũng mắc bệnh máu nhiễm mỡ.
Nhiều người sau khi ăn từ 2 - 3 giờ, mỡ trong thực phẩm được cơ thể hấp thu, chuyển hóa vào máu và đạt mức cao nhất sau 4 - 6 giờ. Sau khi ăn khoảng 9 giờ, nồng độ mỡ máu sẽ về mức bình thường.
Việc mỡ máu tăng nhiều hay ít, thời gian chuyển hóa nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào loại mỡ, hoạt động của nhu động ruột, mật bài tiết, men lipase của ruột và tụy, thời gian mỡ thoát khỏi dạ dày và lượng mỡ máu ban đầu.
Thường khi mỡ trong máu đã tăng, việc ăn thêm mỡ không khiến lipid máu tăng quá cao do cơ chế tự điều chỉnh hàm lượng mỡ. Cơ chế này diễn ra như sau: Khi Lipid máu cao đạt đến ngưỡng nhất định sẽ kích thích ức chế hấp thu lipid ở ruột, hoạt hóa chức năng cố định mỡ của phổi, hệ lưới nội mô bị kích thích tăng tiết hormone và heparin. Nếu hoạt động của 1 bộ phận liên quan nào gặp vấn đề thì người bệnh bị rối loạn quá trình tự điều chỉnh lipid máu.
Hơn nữa, nhiều người gây nhưng có lối sống không lành mạnh, ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, lười vận động thì nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ cũng cao hơn. Ngoài ra, một số người mắc rối loạn di truyền tăng cholesterol máu thì dù gầy hay béo cũng khiến mỡ trong máu cao.