Việc cần làm để tránh biến tủ lạnh thành "ổ bệnh"

Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn. Bao gồm cả vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli.

Trong những năm gần đây, các vụ ngộ độc tập thể vẫn thường xuyên xuất hiện, mới đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool ở Nha Trang.

Chiều 22/11, sau quá trình xét nghiệm kéo dài nhiều ngày, Viện Pasteur Nha Trang đưa ra kết luận đối với 8 mẫu thực phẩm liên quan đến vụ ngộ độc khiến hơn 600 học sinh trường iSchool nhập viện. Kết quả cho thấy vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli có trong mẫu cánh gà chiên. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus còn có trong mẫu nước mắm.

Bạn có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn nếu ăn phải thức ăn chưa nấu chín kỹ. Ngoài ra, vi khuẩn có thể lây nhiễm từ thực phẩm này sang thực phẩm khác bằng tay hoặc dao, thớt, đĩa, dụng cụ nhà bếp hoặc từ chính những nơi mà chúng ta cho rằng vi khuẩn không thể sống được như... tủ lạnh.

Việc cần làm để tránh biến tủ lạnh thành ổ bệnh - Ảnh 1.

Nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ... tủ lạnh, kể cả vi khuẩn salmonella

Ai cũng cho rằng tủ lạnh là nơi an toàn nhất để bảo quản thực phẩm nhờ nhiệt độ thấp, vì thế đồ ăn sẽ giữ nguyên ở trạng thái tươi ngon mà không sợ hư hỏng. Thế nên, nhiều người có thói quen mua trứng hay thịt ở chợ đựng trong túi nilon về "quẳng" luôn vào tủ lạnh mà không cần biết nếu tùy tiện cái gì cũng cho vào tủ lạnh thì có thể dẫn đến nhiễm khuẩn chéo.

Nhiễm khuẩn chéo là khi vi khuẩn và virus được chuyển từ một bề mặt bị nhiễm khuẩn sang một bề mặt khác chưa bị nhiễm.

Các vi khuẩn gây bệnh trong tủ lạnh chủ yếu bao gồm Salmonella, Listeria, Escherichia coli, Staphylococcus aureus... Nhiều người nghĩ rằng vi khuẩn sẽ bị giết chết trong môi trường nhiệt độ thấp. Nhưng trên thực tế, nhiều vi khuẩn có thể tồn tại trong môi trường khoảng 0 đến -45 độ C. Tủ đông có thể ức chế sự sinh sản của vi khuẩn và khiến nó bước vào "thời kỳ ngủ đông", nhưng nó không thể đóng vai trò khử trùng.

Việc cần làm để tránh biến tủ lạnh thành ổ bệnh - Ảnh 2.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), việc xếp trứng lên những khay đựng ở ngay cánh cửa tủ lạnh thực sự không an toàn như nhiều người đang nghĩ. Theo ông, vị trí các khay trên cánh cửa tủ lạnh thường có nhiệt độ cao hơn so với những nơi khác. Nếu thường xuyên bảo quản trứng ở đây trong thời gian kéo dài từ tháng này sang tháng khác thì trứng rất dễ bị hỏng. Chưa kể, vi khuẩn rất dễ sinh sôi tại vị trí này, khiến cho trứng bị hỏng nhanh hơn, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong tủ lạnh nhà bạn.

Còn đối với các loại thịt, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nhiều người vẫn có suy nghĩ cực sai lầm là cho thịt vào tủ lạnh thì hoàn toàn yên tâm chất lượng thịt. Trong thực tế, các vi khuẩn và ký sinh trùng nguyên bản vẫn ở bên trong miếng thịt, dần sản sinh độc tố và xâm nhập vào miếng thịt dù cho chúng ta đã để đông lạnh.

Đặc biệt, thịt gà sống thường chứa vi khuẩn Campylobacter và Salmonella, nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm cho nhiều người.

Theo Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ, thức ăn càng để lâu trong tủ lạnh càng có nhiều nguy cơ cho vi khuẩn phát triển. Nguy hiểm hơn, việc để chung các thực phẩm trong tủ lạnh có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn thông qua luồng hơi lạnh trong tủ, đặc biệt là khi cất chung thực phẩm sống với thực phẩm chín, để thực phẩm gần trứng bị dập vỡ...

Lưu ý khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh để tránh lây nhiễm chéo

1. Sơ chế thực phẩm trước khi cất vào tủ lạnh

Với thịt, cá hay bất kỳ đồ tươi sống, hải sản tươi sống nào khác, bạn đều nên rửa sạch, làm sạch nội tạng và thực hiện hấp/luộc sơ qua. Khi chúng đã được làm chín tương đối, việc bạn cất chúng vào tủ lạnh cũng không khiến chúng phát sinh thêm vi khuẩn gây nhiễm khuẩn chéo tới các thực phẩm khác.

Việc cần làm để tránh biến tủ lạnh thành ổ bệnh - Ảnh 3.

2. Bảo quản thực phẩm chín như thế nào?

Để đảm bảo cho thực phẩm chín, thức ăn chín của bạn, bạn nên cất chúng trong các hộp đậy kín. Nếu bạn cất thực phẩm chín trong hộp nhưng không đậy kín hộp thì cũng không có tác dụng bảo quản thực phẩm.

Ngoài ra, cần lưu ý thêm, thực phẩm cất trong hộp đậy kín nên sử dụng hộp thủy tinh, tránh sử dụng hộp nhựa tái chế hay hộp nhựa một lần vì mức độ độc hại rất lớn.

3. Phòng ngừa nhiễm khuẩn salmonella từ trứng

Việc cần làm để tránh biến tủ lạnh thành ổ bệnh - Ảnh 4.

Trước khi bảo quản trứng trong tủ lạnh, bạn cần làm gì để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn?

Chuyên gia khuyên, bạn nên bỏ trứng ra khỏi túi nilon, rửa nhẹ nhàng từng quả bằng nước sạch, sau đó lấy khăn lau khô rồi cho vào tủ lạnh. Chị em nên để các khay, hộp đựng trứng tránh xa các thực phẩm có mùi mạnh khác vì vỏ trứng rất xốp. Vi khuẩn từ tủ lạnh hoàn toàn có thể xâm nhập vào trứng. Nhất là những loại thịt sống, khuyến cáo cần phải tránh xa đầu tiên.

Nhiệt độ tối ưu để duy trì độ tươi và chất lượng thơm ngon của trứng là 20 độ C. Các chuyên gia nhận định nên đặt ở kệ trên hoặc giữa của tủ lạnh sẽ bảo quản tốt hơn là vị trí cánh cửa tủ lạnh. Trước khi ăn, bạn có thể lấy trứng ra khỏi tủ lạnh 30 phút và đảm bảo trứng không nứt vỏ do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

4. Phòng ngừa nhiễm khuẩn từ thịt gà

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do thịt gà, các bà nội trợ cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Khi cho thịt gà vào giỏ hàng hoặc tủ lạnh, tránh để chúng bị dính vào các thực phẩm khác.

- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với thịt gà.

- Không rửa thịt gà sống gần các thực phẩm khác vì trong quá trình rửa, nước rửa gà có thể bắn ra làm ô nhiễm các thực phẩm, đồ dùng và bề mặt khác.

- Dùng thớt riêng để chế biến thịt gà sống.

Việc cần làm để tránh biến tủ lạnh thành ổ bệnh - Ảnh 5.

- Không để thực phẩm đã nấu chín hoặc sản phẩm tươi sống trên đĩa, thớt, hoặc bề mặt khác mà trước đó đã đựng thịt gà sống.

- Chỉ ăn thịt gà khi đã được nấu chín kỹ, không còn màu đỏ, không ăn thịt gà tái.

- Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt gà còn thừa trong vòng 2 giờ (hoặc trong vòng 1 giờ nếu trời nóng).