Việc di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng nơi có nhiều người cùng di chuyển và người sử dụng phải tiếp xúc với các bề mặt "dùng chung", vì vậy, nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao nếu không có phương pháp đề phòng đúng cách, nhất là ở thời điểm F0 của bệnh nhân số 418 tại Đà Nẵng vẫn chưa được xác định.
Nắm bắt được vấn đề này, ngày 11/3, Bộ Y tế đã ban hành Khuyến cáo cho Hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối nhằm giúp cộng đồng có đầy đủ kiến thức để chủ động thực hành các hành vi có lợi cho sức khoẻ để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Bộ quy định các phương tiện giao thông công cộng bao gồm: Xe buýt, ôtô chở khách tuyến cố định, máy bay chở khách, tàu hỏa chở khách (gồm cả phương tiện đường sắt đô thị), tàu thủy chở khách, phà chở khách...
Những việc cần thực hiện đối với hành khách đi phương tiện giao thông công cộng để phòng tránh bệnh COVID-19 bao gồm:
- Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở người dân nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng; sử dụng khẩu trang đúng cách khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở.
- Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi; bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định.
- Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông.
- Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
- Hạn chế ăn uống, nói chuyện ở trên phương tiện giao thông công cộng.
- Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga…).
- Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Người dân cần và tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.
- Khi kết thúc chuyến đi, nếu xuất hiện một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, người dân cần liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông đã đi; đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.