ThS.BS Nguyễn Hồng Hà đang khám cho bệnh nhân.
“Tử thần” SARS đến Việt Nam
Chiều 24/1 (30 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020) trên khắp các trang báo mạng và truyền hình dồn dập thông tin về virus Corona, một chủng loại virus gây bệnh liên quan tới hô hấp. Việc phát hiện bệnh nhân mang virus corona ở Việt Nam khiến nhiều người lo lắng khi nhớ lại thời điểm 17 năm trước bệnh dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) lan tới làm nhiều người mắc bệnh và tử vong, trong đó có cả nhân viên y tế.
Trực tiếp tham gia "cuộc chiến" chống SARS, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TW vẫn bị ám ảnh bới dịch bệnh kinh hoàng xuất phát từ Hong Kong.
ThS.BS Nguyễn Hồng Hà kể, đầu tháng 3/2003, khi ông đang là Trưởng phòng Hồi sức cấp cứu thuộc Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai (nay là Bệnh viện Nhiệt đới TW) thì nhận được thông tin phát hiện ca mắc bệnh SARS đầu tiên ở Việt Nam.
Đó là một người đàn ông tên Chung Cheng, nhập cảnh vào Việt Nam từ Hong Kong (Trung Quốc). Người này mắc các triệu chứng lâm sàng giống cúm nhưng diễn biến bệnh rất lạ như sốt cao, ho nhiều, khó thở, nhức mỏi toàn thân và đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). Sau đó, vì bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và không có dấu hiệu thuyên giảm, ông Chung Cheng đã được người nhà thuê chuyên cơ đưa về nước, tuy nhiên khi người bệnh rời đi, Bệnh viện Việt Pháp đã có 5 y, bác sĩ nhiễm căn bệnh “lạ” này.
“Dịch SARS bắt đầu bùng nổ từ đầu tháng 3/2003 và được khống chế, chấm dứt hoàn toàn vào ngày 8/4/2003. Chúng tôi là đơn vị thứ hai tham gia cuộc chiến chống SARS. Thời điểm đó, Bộ Y tế đã ra quyết định đóng cửa Bệnh viện Việt Pháp vì có 44 y, bác sĩ nhiễm bệnh, trong đó có 6 trường hợp đã tử vong”, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cho biết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo họp khẩn về tình hình dịch bệnh ngày 24/1 (30 Tết).
Chiến trường từ Việt Pháp đến Nhiệt đới
Tổng số ca mắc bệnh SARS tại Việt Nam trong hơn 1 tháng lên tới 63 trường hợp, trong đó Bệnh viện Nhiệt đới TW tiếp nhận và điều trị cho 34 trường hợp gồm 24 người bệnh đến thăm, khám bệnh tại đơn vị này và 10 trường hợp được chuyển từ Bệnh viện Việt Pháp sang.
“Tôi là người trực tiếp tham gia điều trị các bệnh nhân nhiễm bệnh SARS. Các bệnh nhân nhiễm SARS có biểu hiện nhẹ thì được chuyển lên phòng Hồi sức tích cực tại tầng 3 tòa nhà 6 tầng. Còn các bệnh nhân diễn biến nặng hơn thì nằm tại tầng 2 và đây cũng là chiến trường chính. Bệnh SARS lúc đó lây lan chủ yếu ở bệnh viện, đối với những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, còn ở ngoài cộng đồng thì khả năng lây lan của SARS không cao”, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà nhớ lại.
ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cho hay, khi tiếp nhận 34 trường hợp nhiễm bệnh SARS, có tới 10 trường hợp diễn biến nặng dẫn tới suy hô hấp nhưng điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị của Bệnh viện Nhiệt đới TW lúc đó không có máy thở. Các y, bác sĩ đã phải sử dụng các thiết bị thô sơ, “tự chế” để hỗ trợ bệnh nhân thở không xâm nhập như dùng khăn lạnh làm mát cho bệnh nhân, dùng máy thở (loại xâm nhập trong cơ thể bệnh nhân) từ bên ngoài, tăng áp lực, đẩy ô xy vào trong cơ thể bệnh nhân.
“Chúng tôi tìm dụng cụ chế thành mặt nạ bằng cao su từ săm xe đạp, đục lỗ, móc rồi chụp vào đầu khẩu trang N95, kết hợp với máy thở duy trì lượng ô xy hóa trong máu bệnh nhân để không nguy hiểm đến tính mạng.
Vì SARS là bệnh truyền nhiễm nên có giai đoạn bệnh nguy kịch, khi mình duy trì được lượng ô xy hóa trong máu bệnh nhân, người nhẹ thì duy trì khoảng 3, 4 ngày, người nặng thì khoảng hơn 1 tuần. Khi người bệnh đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch này thì cơ thể sẽ tự hồi phục, người bệnh sẽ dần khỏi. Mấu chốt là phải duy trì được ô xy trong cơ thể người bệnh để diễn biến suy hô hấp không nguy hiểm đến tính mạng”, ThS.BS Hà cho hay.
Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nếu đánh giá bệnh SARS trên chỉ số, nhiều bệnh nhân thuộc loại nặng và rất nặng. Chưa kể khi mắc bệnh SARS, các bệnh nhân cao tuổi hoặc đang mắc các bệnh như cao huyết áp và một số bệnh khác sẽ cùng diễn biến phức tạp theo SARS, tức là bệnh chồng bệnh dẫn tới tính mạng của người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, ngoài phác đồ điều trị bệnh SARS, các y, bác sĩ còn phải sử dụng kháng sinh, chống nhiễm trùng cho người bệnh.
“Các dịch bệnh như SARS hay corona hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chúng tôi chỉ có thể theo dõi, hỗ trợ người bệnh, vì vậy, cộng đồng phải có chung ý thức phòng bệnh, nếu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để tránh dịch bệnh lây lan và đảm bảo sức khỏe của mỗi cá nhân”, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà nhận định.
“Sau 17 năm nhìn lại, cơ sở vật chất lúc đó khó khăn còn bây giờ thì sự hợp tác với quốc tế, sự chủ động của chúng ta tốt hơn nhiều. Chúng ta đã cảnh báo cho người dân, chúng ta đã chủ động phát hiện, giám sát và đưa người bệnh có biểu hiện sốt cao nghi nhiễm corona vào viện chẩn đoán, cách ly để có biện pháp phòng hộ, điều trị tốt hơn”, ThS.BS Hà nói.
ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cho rằng, điều quan trọng trong chủ động phòng, chống các dịch bệnh lây lan như SARS hay virus corona hiện tại, thứ nhất là tính cảnh giác của tất cả các cơ sở y tế, các y, bác sĩ đều phải đề cao cảnh giác, nếu có trường hợp sốt cao nhập viện phải có biện pháp bảo hộ và chẩn đoán, khám chữa bệnh thận trọng.
Thứ hai là người bệnh khi có triệu chứng sốt cao, người nhức mỏi phải lập tức đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh và nói rõ biểu hiện của mình để lực lượng y, bác sĩ có phương pháp can thiệt, điều trị tốt nhất. Không nên tự chữa bệnh ở nhà, chủ quan với sức khỏe và tính mạng của mình.