Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Môi trường Quốc tế, là nghiên cứu toàn cầu đầu tiên về ảnh hưởng tiêu cực của việc làm việc nhiều giờ gây ra cho sức khỏe, đặc biệt là tính mạng con người. Nó cho thấy chỉ trong năm 2016 có 745 nghìn người tử vong vì đột quỵ và bệnh tim do thời gian làm việc quá lâu.
Nghiên cứu do WHO và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp thực hiện, sử dụng dữ liệu từ 194 quốc gia trên thế giới. Kết quả cho thấy so với những người làm việc 35-40 giờ 1 tuần, những người làm việc trên 55 giờ 1 tuần có nguy cơ đột quỵ cao hơn 35%, nguy cơ tử vong do thiếu máu cơ tim cao hơn 17%.
Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc làm việc trong thời gian quá dài là đàn ông trung niên hoặc cao tuổi (72%). Báo cáo cũng cho thấy những người sống ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Dữ liệu được lấy từ 2000 - 2016, do đó, số liệu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, WHO cảnh báo rằng sự gia tăng trong công việc từ xa (online) và suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch có thể làm tăng số lượng người tử vong vì làm việc quá nhiều giờ.
WHO cho biết: "Sự phát triển nhanh chóng của dịch bệnh có thể góp phần vào xu hướng tăng giờ làm việc". Người ta ước tính ít nhất 9% người dân trên thế giới đã phải làm việc nhiều giờ hơn sau khi Covid-19 xuất hiện. Các nhân viên của WHO, bao gồm cả Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói rằng bản thân họ cũng đã phải trải qua điều này.
Frank Pega, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho rằng việc hạn chế giờ làm việc là tốt cho người sử dụng lao động vì nó giúp tăng năng suất lao động. "Đó sẽ là một lựa chọn khôn ngoan khi không kéo dài thời gian làm việc trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế này".
Nguồn và ảnh: Red Star News, Reuters