Đó là nhận định của chuyên gia về bệnh truyền nhiễm - TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm (Đại học Y dược TP.HCM) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống về mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 biến chủng B.1.617 của Ấn Độ và những nguy cơ Việt Nam đang phải đối diện.
PV: Thưa TS, tại sao virus SARS-CoV-2 biến chủng B.1.617 của Ấn Độ được gọi là “biến chủng kép”?
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu, từ khoảng cuối năm 2020, nhiều nơi trên thế giới bắt đầu xuất hiện những "biến thể đáng lo ngại" (variants of concern - VOC) của virus SARS-CoV-2. Đặc biệt từ đầu năm 2021 là sự gia tăng biến thể mới ở phía tây của Ấn Độ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu.
Các nhà khoa học đã và đang tiếp tục theo dõi giải mã toàn bộ trình tự gen và phân tích các đột biến protein mới xuất hiện của virus nhằm tìm hiểu tác động của các biến thể đến diễn tiến lâm sàng, mức độ bùng phát dịch và hiệu quả phòng ngừa của các vắc xin hiện có.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định "bức tranh" lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất phức tạp. Ảnh: NVCC
Virus SARS-CoV-2 biến chủng B.1.617 phát hiện ở Ấn Độ được các nhà khoa học quan tâm, giải mã.
Có hai đột biến: L452R và E484Q. Hai đột biến này rất quan trọng đến quá trình lây nhiễm của virus, vì nằm ở vùng bám dính của protein gai (spike protein) với thụ thể ACE2 (angiotensin-converting enzyme 2) ở tế bào người (Virus cần phải kết nối vào thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào người để xâm nhập vào bên trong tế bào và tăng sinh).
Các nghiên cứu cho thấy, đột biến L452R làm tăng ái lực của protein gai với thụ thể ACE2 và giảm khả năng nhận diện của kháng thể trung hòa.
Đột biến E484Q cũng làm gia tăng khả năng bám vào thụ thể ACE2 và khả năng “trốn thoát” hàng rào miễn dịch.
Với “đột biến kép” như vậy, khả năng “tấn công” của virus sẽ gia tăng mạnh hơn và đồng thời làm giảm tác dụng của các kháng thể tự nhiên và kháng thể được tạo ra do tiêm chủng.
Tuy nhiên, các chuyên gia hiện vẫn khẳng định các loại vắc xin phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả bảo vệ cao đối với các biến chủng hiện có, phải cần thêm thời gian tìm hiểu vai trò của các đột biến mới.
Virus SARS-CoV2 biến thể B.1.617 vẫn đang tiếp tục tiến hóa và có thêm các đột biến mới; tạo ra 3 phân nhánh con là B.1.617.1; B.1.617.2 và B.1.617.3.
Trong số này, B.1.617.2 có mang thêm đột biến mới là T478K (thay cho E484Q) (như vậy, biến chủng này mang đột biến kép là L452R & T478K). Đột biến T478K nằm trong khu vực tương tác của protein gai với thụ thể ACE2. Do đó, T478K cũng được dự báo có khả năng ảnh hưởng đặc biệt đến ái lực của protein gai với thụ thể ACE2 và làm cho virus dễ dàng nhanh chóng xâm nhập vào tế bào hơn.
PV: Với biến chủng B.1.617 và các đột biến mới, chúng nguy hiểm ở mức độ như thế nào?
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Biến chủng B.1.617 và các đột biến mới của nó hiện đang là mối lo ngại cho nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Sự gia tăng nhanh số ca bệnh ở Ấn Độ hiện nay đều do các biến chủng của SARS-CoV-2. Cách đây 2 tuần, có đồng thời khá nhiều biến thể gây các đợt bùng phát ca bệnh tại Ấn Độ.
Phân tích bộ gen cho thấy, ban đầu là chủng B.1.1.7, lần đầu tiên được phát hiện ở Vương quốc Anh cuối năm 2020, chiếm ưu thế ở Delhi và bang Punjab (Ấn Độ) và một biến thể mới có tên B.1.618 đã có mặt ở Tây Bengal.
Biến thể B.1.617 chiếm ưu thế ở Maharashtra. Nhưng sau đó, B.1.617 đã vượt qua B.1.618 ở Tây Bengal, trở thành biến chủng chiếm ưu thế ở nhiều bang Ấn Độ, và đang gia tăng nhanh chóng ở Delhi.
Biến chủng này cũng đang nhanh chóng lây lan ra các nước lân cận và toàn cầu. Ngày 7/5, Vương Quốc Anh cho biết, biến chủng B.1.617.2 là biến thể đáng lo ngại (VOC) tại nước Anh. Số ca nhiễm do biến chủng này đã tăng từ 202 lên 520 ca chỉ trong 1 tuần lễ.
Theo các nhà khoa học virus SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục tiến hoá và tạo ra các đột biến mới. Ảnh minh hoạ
PV: Hiện nay tại Việt Nam, một số tỉnh, thành đã xuất hiện ca bệnh mắc biến chủng B.1.617.2. TS nhận định như thế nào về “bức tranh” lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay?
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Tại Việt Nam, bên cạnh các chủng B.1.1.7 (có nguồn gốc từ Anh), A.23.1… Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã giải trình tự gene từ những mẫu bệnh phẩm mới nhất, kết quả đã phát hiện nhiều mẫu biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ. Trong đó, 5 mẫu tại Thái Bình; 2 mẫu tại Hưng Yên; 1 mẫu tại Hà Nội.
Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm được gửi về từ Vĩnh Phúc, kết quả có 3 mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân được xác định mắc COVID-19 biến chủng B.1.617.2.
Như vậy, đến nay, các chuyên gia đã giải mã trình tự gen của 11 bệnh nhân trong các chuỗi lây nhiễm tại khu vực phía Bắc và tất cả đều mắc biến chủng B.1.617.2 này.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh – Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford phối hợp với CDC Đà Nẵng vừa giải mã được 5 bộ gen virus SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân hiện ở Đà Nẵng và thu được biến chủng B.1.1.7 (“biến chủng Anh Quốc”).
Như vậy bên cạnh các ổ dịch do biến chủng cũ đã biết, biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ đang là tác nhân chính cho đợt dịch hiện nay. Lần này Việt Nam có “bức tranh” lây nhiễm trong cộng đồng rất phức tạp, chồng chéo do các ca bệnh đi đến nhiều nơi, diện rộng, tiếp xúc nhiều người trước khi dương tính. Tình hình dịch bệnh phức tạp.
PV: Thưa TS, Việt Nam đã xuất hiện những ca bệnh mắc biến chủng trong cộng đồng. Từ bài học của Ấn Độ, chúng ta cần phải làm những gì trước khi quá muộn?
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Với sự xuất hiện những ca bệnh trong cộng đồng tại Việt Nam hiện nay, do biến chủng B.1.617.2 mang những đặc tính đáng ngại đã nêu trên, từ bài học của Ấn Độ, việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh là cực kỳ quan trọng.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế, Việt Nam cần thực hiện nghiêm ngặt việc phòng chống lây lan virus từ người bệnh sang người lành, phải bảo đảm từ khâu cách ly sau nhập cảnh đến việc tuân thủ “5K” trong sinh hoạt hàng ngày.
Giải pháp căn cơ nhất trong thời gian tới là tiến hành tiêm vắc xin đạt độ phủ cho đa số dân (trên 70% dân số) để tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó chặn đứng dịch bệnh.
Mọi người dân cần ý thức tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế trước khi quá muộn.
Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã có những chia sẻ thiết thực và ý nghĩa!