Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Viện Pastuer TPHCM
Tối ngày 25/6, đại diện Bệnh viện (BV) Quân y 175-Bộ Quốc phòng cho biết, đơn vị này đang điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.
Được biết, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện với các biểu hiện sốt, đau họng, khó thở, vùng hàm sưng to… Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TPHCM xác định bệnh nhân mắc bạch hầu. Nhân viên y tế nhanh chóng cách ly người bệnh để điều trị.
Để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và các bệnh nhân, bệnh viện đã cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc trên trong phòng bệnh.
TPHCM phát hiện bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu
Cùng với đó, một số nhân viên y tế ở các khoa: Khám bệnh, Tai Mũi Họng, Truyền nhiễm và các bệnh nhân cùng phòng đã được uống thuốc điều trị dự phòng. BV cũng lập hồ sơ báo cáo với cơ quan chức năng để khoanh vùng, xử lý.
Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Sau một tuần điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được theo dõi. Dự kiến trong tuần sau bệnh nhân này sẽ xuất viện.
Đến thời điểm này, TPHCM là địa phương thứ hai ghi nhận dịch bạch cầu sau Đắk Nông.
Cùng ngày, BV Bệnh Nhiệt đới đã trực tiếp tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật cho BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
Bệnh dễ lây nếu tiếp xúc gần với người bệnh
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, đoàn đã có báo cáo nhanh kết quả giám sát công tác điều trị và kiến nghị Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh – Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ nguồn cung cấp đầy đủ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu cho các đơn vị trong thời gian sớm nhất có thể, để công tác điều trị dịch bạch hầu đạt hiệu quả cao nhất.
Trước đó, Khoa hồi sức cấp cứu Trẻ em BV Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 1 bé gái 9 tuổi, người H’mông được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim, thân do BV Đa khoa tỉnh Đắk Nông chuyển đến. Tuy nhiên, chỉ sau 2 giờ nhập viện bé gái này đã tử vong.
Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.