Trong thời gian gần đây, một số infuencer ở Nga và cư dân mạng cho biết họ bị cấm mua các mặt hàng của Chanel ở nhiều nơi trên thế giới, và được thông báo rằng chính sách của thương hiệu không bán cho những khách hàng có ý định mang sản phẩm trở lại Nga.
Anna Kalashnikova - một influencer người Nga có tiếng, đã đăng đàn và tố cáo Chanel mắc "Russophobia"(hội chứng ghét người Nga). Cô than thở rằng bản thân không thể mua một đôi hoa tai và túi xách ở một cửa hàng Chanel ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chỉ vì quốc tịch của chính mình.
Một cửa hàng Chanel ở Nga
"Trong lần đến Dubai tham dự Tuần lễ thời trang, quản lý của Chanel đã tiếp cận tôi và nói: 'Chúng tôi biết rằng bạn là một người nổi tiếng ở Nga nhưng rất tiếc, chúng tôi không thể tiếp đón bạn''', Kalashnikova thể hiện sự bức xúc.
Cô cho biết trải nghiệm này cô nhớ tới việc Coco Chanel không chỉ là tình nhân của Đức Quốc xã, mà còn là một điệp viên hai mang phát xít. Kalashnikova nói: "Những hành động này khiến tôi liên tưởng đến tiểu sử của Coco Chanel. Việc ủng hộ chủ nghĩa phát xít và chứng sợ người Nga của bà".
Đại diện của Chanel đã không phản hồi ngay lập tức những câu hỏi từ trang Insider, nhưng trang Daily Mail dường như xác nhận chính sách trên thực sự tồn tại, cho biết công ty đã đưa ra tuyên bố về lệnh trừng phạt của EU và Thụy Sĩ cấm "việc bán, trực tiếp hoặc gián tiếp, các mặt hàng xa xỉ cho bất kỳ thể nhân, pháp nhân hoặc thực thể nào ở Liên bang Nga hoặc để sử dụng ở Liên bang Nga''.
Truyền thống, văn hoá nước Nga từng là cảm hứng cho BST Tiền Xuân Paris-Moscow 2009 của Chanel
Nhà thiết kế nội thất kiêm influencer người Nga - Liza Litvin, đã kể chi tiết trải nghiệm tương tự về việc không được phép mua các món đồ của Chanel ở Dubai. Trong bài đăng, Litvin cho biết, cô phải ký cam kết tại một cửa hàng Chanel rằng cô không sống ở Nga và sẽ không đeo chiếc túi mình mua trên đất Nga.
"Tôi đã đến một cửa hàng Chanel ở Trung tâm Thương mại Emirates. Họ không bán chiếc túi cho tôi vì tôi đến từ Nga!", Litvin đã viết trong bài đăng. Đồng thời, một tài khoản mạng xã hội có tên Snezhanna Georgieva, cho biết một số người mua sắm Nga đã tìm ''cửa sau'' để cố gắng mua các mặt hàng Chanel.
Georgieva nói: "Tôi sẽ rất mừng khi những thương hiệu này mở bán trở lại cho người Nga. Nhưng chúng tôi biết một số cửa hàng vẫn mở cửa khi khách quen tìm tới họ."
Đến bao giờ mối quan hệ giữa Chanel và Nga mới thuận hoà? Đây vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ
Trước đó vào ngày 4/3, các thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới đã thông báo họ có kế hoạch tạm đóng cửa các cửa hàng, đồng thời tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Thương hiệu Hermès và Richemont, chủ sở hữu của Cartier là một trong những công ty đầu tiên có động thái trên, theo sau là các hãng Chanel, Kering và LVMH.
Đại diện của Chanel lên tiếng: "Trước những lo ngại ngày càng gia tăng về sự bất ổn leo thang, cũng tình hình ngày càng phức tạp, Chanel đã quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh của mình tại Nga".
Nguồn: Insider