Khi khỏe mạnh, ít người có thể nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe. Nhưng khi đánh mất nó, chúng ta mới nhận ra rằng cái gọi là danh lợi, tiền tài đều là vật ngoài thân, chỉ có sức khỏe mới là điều quan trọng nhất.
Trong ba năm qua, chúng ta đã được dạy một bài học về sức khỏe, có lẽ không có thời điểm nào chúng ta lại quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn hiện tại.
Trên thực tế, sức khỏe không chỉ là sức khỏe thể chất mà còn bao gồm sức khỏe tâm lý, tình cảm, trí lực, tài chính, các mối quan hệ giữa các cá nhân… Sức khỏe không chỉ là trạng thái thể chất mà còn là một lối sống.
Nếu bạn muốn sống một cuộc sống lành mạnh, hãy rèn luyện bản thân ở những khía cạnh này.
01
Sức khỏe thể chất
Những năm gần đây, đối mặt với dịch bệnh, có lẽ chúng ta đều hiểu ra được rằng thứ thực sự giúp chúng ta chống lại bệnh tật chính là sức khỏe của bản thân.
Người có thể chất tốt, sau khi nhiễm virus không có phản ứng rõ ràng, vài ngày sau sẽ trở lại bình thường.
Những người có thể chất kém không nhẹ nhàng như vậy, không chỉ bị giày vò về thể xác mà còn cả về tinh thần.
Vào những lúc như vậy, chúng ta mới nhận thức ra được rằng việc tập thể dục và duy trì sức khỏe quan trọng như thế nào.
Nếu bạn muốn có một cơ thể khỏe mạnh và một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, bạn cần hình thành cho mình những thói quen sinh hoạt lành mạnh hàng ngày.
Ông Liang Shuming, một chuyên gia về Quốc học của Trung Quốc, khi được hỏi về kinh nghiệm của mình trong việc giữ gìn sức khỏe, đã nói: "Tôi phải chơi thể thao, phải đọc và viết mỗi ngày."
Ngoài việc đọc và viết, bí quyết duy trì sức khỏe tốt của ông Liang là phát triển một lối sống lành mạnh.
Mỗi sáng lúc 5 giờ, ông không vội vàng thức dậy mà thực hiện một số động tác đơn giản trên giường để đánh thức các chức năng, bộ phận của cơ thể.
Khi không viết, ông sẽ đi dạo trong công viên, đánh quyền hoặc chạy bộ dọc theo hồ.
Ăn uống điều độ, gặp món ngon sẽ không ăn quá vồn vã, nhất quyết không ăn quá nhiều, tuyệt đối không tham.
Những thói quen đó đã mang lại cho ông một cơ thể vô cùng khỏe mạnh.
Ở tuổi 90, ông vẫn diễn thuyết trên sân khấu với chất giọng rền như chuông khiến lớp trẻ phía dưới phải thán phục.
Duy trì một cơ thể khỏe mạnh, cải thiện thể chất và xây dựng bức tường miễn dịch không được hình thành bởi những hứng tập nhất thời, nó là một thói quen lâu dài.
Tập thể dục thường xuyên, không thức khuya, chú ý điều độ, tạo nền tảng vững chắc cho sức khỏe, có như vậy thì vào những thời điểm quan trọng, bạn mới có thể có một thể chất tốt để đối phó với sự xâm nhập của bệnh tật.
Có một câu nói rằng:
"Không ai mất tất cả vì giữ gìn một cơ thể khỏe mạnh, nhưng có người khuynh gia bại sản vì không có một cơ thể khỏe mạnh."
Đừng đợi đến khi cơ thể gặp vấn đề rồi mới nhớ ra là phải đối xử tốt với nó.
Là một người có trách nhiệm với cơ thể của chính mình, chăm sóc tốt cho cơ thể là điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
02
Sức khỏe tâm lý
Khi môi trường bên ngoài nhiều sóng gió, thứ bị tác động đầu tiên không phải là cơ thể, mà chính là trái tim chúng ta.
Trong ba năm qua, những thay đổi lớn diễn ra xung quanh, không ngừng thử thách thần kinh nhạy cảm của con người.
Thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, nội tâm xích mích, sau khi tích tụ sẽ trở thành vết thương thực sự cho trái tim.
Nhật là bà mẹ hai con, cô đã kết hôn được 4 năm và có hai nhóc tì đáng yêu.
Sau khi sinh bé thứ hai, cô bị trầm cảm nặng, chẳng muốn làm gì, hay quên việc phải làm, mất ngủ trầm trọng, hay khóc.
Chồng cô không biết phải làm sao nên đã đưa cô đi điều trị tâm lý, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, cô đã nói ra những suy nghĩ thầm kín bấy lâu nay của mình.
Thì ra trước khi sinh bé thứ hai, cô có một cửa hàng nhỏ của riêng mình, do lượng khách giảm đột ngột nên cô buộc phải đóng cửa hàng để tiết kiệm chi phí.
Sau khi con trai chào đời, mẹ chồng rất vui mừng và đến giúp chăm sóc cháu trai, nhưng đó cũng là lúc cơn ác mộng của Nhật bắt đầu.
Mẹ chồng là một người rất thích kiểm soát, luôn nói cô không thể chăm sóc con cái, không biết chăm sóc cháu trai.
Nhật cũng không đồng ý với quan điểm nuôi dạy con cái của mẹ chồng, cho rằng đó là phương pháp nuôi dạy con lỗi thời, cô không muốn cãi lại mẹ chồng nên thường tủi thân.
Cô cứ như vậy chịu đựng trong 2 năm, cho đến khi cơ thể bắt đầu có vấn đề.
Mỗi cơn đau nhẹ trên cơ thể là một tín hiệu cầu cứu từ những cảm xúc bên trong.
Mỗi khi một cảm xúc tiêu cực xuất hiện, nó sẽ để lại dấu vết trên cơ thể bạn.
Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng tính cách ủ rũ không chỉ dễ dẫn đến trầm cảm mà trong trường hợp nặng còn gây ung thư, những người có tính cách này có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 3 lần người bình thường.
Nếu bạn muốn giữ cho cơ thể khỏe mạnh, trước tiên bạn cần phải quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của mình.
Giữ tâm trạng vui vẻ, lạc quan và thiết lập cơ chế bảo vệ cảm xúc là điều quan trọng nhất mà chúng ta nên duy trì cho cơ thể mình.
Susan, giáo sư tâm lý học tại Đại học Yale, cho biết:
"Khi trí tuệ của chúng ta hài hòa với cảm xúc bên trong, hành động của chúng ta phù hợp với các giá trị quan của bản thân, chúng ta mới có thể vượt qua cảm xúc và tôi luyện để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình."
Khi nội tâm bình yên, cảm xúc sẽ trở nên rõ ràng, những vấn đề gặp phải tự nhiên cũng sẽ được giải quyết, cuộc sống sẽ trở nên tươi sáng và tràn đầy hy vọng.
Ảnh minh hoạ
03
Sức khỏe tài chính
Bài học quan trọng nhất dạy cho chúng ta trong những năm dịch bệnh qua là cần phải có của để dành.
Thay vì theo đuổi cái gọi là tự do tài chính mà nhiều người ca ngợi, chi bằng theo đuổi sức khỏe tài chính thực tế hơn.
Sức khỏe tài chính là gì?
Trong thời đại luôn thay đổi này, bạn cần phải có một số tiền tiết kiệm nhất định để đảm bảo rằng mình có thể duy trì cuộc sống bình thường trong 6-12 tháng trong trường hợp không có thu nhập.
Chi tiêu bao nhiêu tùy thích hoặc ăn nhiều hơn mức cần thiết đều không thuộc về sức khỏe tài chính.
Với kiểu tiêu dùng không nhận thức được rủi ro này, một khi khủng hoảng xảy ra, cuộc sống chắc chắn sẽ trở nên bấp bênh.
Lâm làm việc trong một công ty thời trang với một mức lương khá, vì vậy anh tự nhiên cũng hình thành thói quen tiêu tiền tùy tiện.
Khi đi ăn với đồng nghiệp, Lâm thường đứng ra thanh toán, ăn mặc cũng luôn phải là thứ tốt nhất.
Mặc dù chi tiêu hàng ngày tương đối cao, nhưng tiền lương hàng tháng vẫn có thể trang trải các chi phí, cuộc sống của Lâm cũng gọi là thoải mái.
Sau này, do làm ăn sa sút, công ty tuyên bố phá sản.
Lâm ngay lập tức chuyển từ nhóm có thu nhập cao sang nhóm không có thu nhập.
Trong giai đoạn quan trọng này, khi mẹ anh bị ốm và phải nhập viện để phẫu thuật, anh thậm chí không đủ tiền để trả 70 triệu chi phí phẫu thuật.
Chỉ đến lúc đó, Lâm mới nhận ra thói quen chi tiêu thường ngày của mình tai hại đến mức nào.
Sau cùng, Lâm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra ngoài làm một số công việc lặt vặt và bán một số món đồ hiệu của mình để bù đắp chi phí y tế và sinh hoạt cho mẹ trong thời gian đó.
Sau khi trải qua sự cố này, Lâm đã rút ra được kinh nghiệm và suy ngẫm về vấn đề tiêu dùng của bản thân, anh quyết định loại bỏ những ham muốn không cần thiết và tiết kiệm tiền một cách triệt để.
Bước vào tuổi trung niên, con người ta sẽ không còn có thể tiêu tiền vô tư như thời còn trẻ.
Chúng ta có những trách nhiệm trên vai và cần lên kế hoạch trước cho những rủi ro chưa biết của cuộc sống.
Chi tiêu một cách có kế hoạch, không chi tiêu nếu không cần thiết, học cách quản lý ngân sách cẩn thận, hãy để tài chính của bạn đi vào một chu kỳ tích cực, để bạn có thể đối mặt với nhiều rủi ro hơn trong cuộc sống.
04
Sức khỏe trong các mối quan hệ
Đại học Harvard đã thực hiện một nghiên cứu:
Đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến "sự thành công trong cuộc sống" của một người, kết quả khiến ai cũng bất ngờ.
Những người có mối quan hệ thân thiết với mẹ của mình trung bình kiếm được thêm 87.000 đô la một năm.
Những người yêu thương anh chị em trung bình kiếm được thêm $51,000 một năm.
Những cá nhân có điểm số cao nhất trong "mối quan hệ thân mật" kiếm được mức lương trung bình hàng năm là 243.000 đô la.
31 người có điểm thấp nhất có mức lương trung bình hàng năm không quá 102.000 USD.
Chỉ cần có thể tìm thấy "tình yêu đích thực" trước tuổi 30 - dù là tình yêu, tình bạn hay mối quan hệ gia đình - cũng có thể làm tăng đáng kể cơ hội "thành đạt trong cuộc sống" của bạn.
Câu chuyện cuộc đời của Camille trong nghiên cứu đã chứng minh điều này.
Trước 35 tuổi, cuộc đời của Camille có thể dùng hai chữ "thất bại" để hình dung.
Anh cảm thấy cuộc sống của mình rất vô nghĩa, hút thuốc và uống rượu, thụ động và cáu kỉnh… là những từ dành để hình dung về Camille.
Năm 35 tuổi, anh phải nhập viện điều trị 14 tháng vì bệnh lao, tại đây, sự chăm sóc tận tình của các nhân viên y tế đã khiến anh cảm nhận được tình yêu và hơi ấm đã mất từ lâu trong đời.
Anh bật khóc như một đứa trẻ, vì đây là lần đầu tiên, ở tuổi 35, anh cảm nhận được cảm giác được quan tâm chăm sóc là như thế nào.
Trải nghiệm được yêu thương này đã thay đổi cuộc đời anh rất nhiều.
Sau khi xuất viện, anh từ một người đàn ông mất hết hy vọng vào cuộc sống trở thành một bác sĩ, người chồng và người cha có trách nhiệm.
Những thay đổi của Camille cũng giúp anh có được sự tôn trọng và yêu mến của gia đình, đồng nghiệp và những người xung quanh.
Đại học Harvard sau cùng đã đưa ra kết luận:
"Hạnh phúc của con người không đến từ những thứ mà hầu hết chúng ta đang theo đuổi như tiền bạc, danh vọng, hay địa vị… Nó đến từ mối quan hệ ấm áp giữa các cá nhân mà chúng ta có trong đời."
Tình yêu thương, sự ấm áp có thể không mang lại lợi ích trực tiếp cho cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến cách một người làm mọi việc.
Đối mặt với cùng một vấn đề, những người lạc quan và những người chán nản có cách giải quyết hoàn toàn khác nhau.
Người lạc quan có ánh sáng trong mắt và sức mạnh trong tim, họ không bỏ cuộc ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, trong khi những người với đám mây đen trong tim thường rút lui trước khi bắt đầu.
Hai cách sống, kết quả ra sao, chắc hẳn ai cũng đã có câu trả lời.
Sở hữu những mối quan hệ giữa các cá nhân lành mạnh, có thể cảm nhận được tình yêu và được yêu thương, những người như vậy sẽ có nhiều khả năng gặt hái hạnh phúc và một cuộc sống trọn vẹn.
05
Sức khỏe, thực ra là một hệ thống vừa phức tạp vừa hoàn chỉnh.
Để duy trì một cuộc sống lành mạnh:
Thứ nhất, có một cơ thể khỏe mạnh.
Thứ hai, giữ tâm trạng vui vẻ.
Thứ ba, có tài chính lành mạnh.
Thứ tư, có người để yêu thương và được yêu thương.
Nghe có vẻ khó, nhưng hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày, rèn luyện cho mình thói quen sống lành mạnh, và bạn sẽ có thể dần thiết lập mối quan hệ tốt với môi trường xung quanh.
Muốn cơ thể khỏe mạnh thì phải có kỷ luật tự giác, muốn tâm trạng vui vẻ thì cần suy nghĩ tích cực hơn về mọi việc.
Muốn khỏe mạnh về tài chính, cần chi tiêu có kế hoạch, muốn có những mối quan hệ tốt đẹp, hãy cho đi nhiều hơn.
Không phải ai sinh ra cũng đều đã sở hữu cho mình một lối sống lành mạnh, nó cần mỗi chúng ta dùng cái tâm của mình để tạo dựng và duy trì.