Một số chuyên gia đã kết luận có những điểm chung ở những đứa trẻ sau này thành người thành đạt: Giỏi điều chỉnh cảm xúc, tính tự giác cao, ít lo lắng, trầm cảm, thích thể thao và có nhiều bạn bè tốt.
Không đứa trẻ nào sinh ra đã là đứa trẻ ngoan, cũng như không có đứa trẻ nào sinh ra đã hư. Nguồn gốc tính cách cũng như sự thành công của một đứa trẻ ẩn giấu trong cách giáo dục gia đình. Lối sống, cách suy nghĩ, giáo dục của 5 kiểu cha mẹ sau đây sẽ tạo nên một đứa con xuất sắc:
1. Cha mẹ không bao bọc con thái quá
Đa số các bậc phụ huynh Việt Nam thường có xu hướng bao bọc con cái khỏi những trở ngại. Họ luôn muốn lo sẵn từng đường đi nước bước và vì thế, đứa con bé bỏng mãi chẳng thể thoát ra được cái bóng của bố mẹ để đương đầu với những thử thách ngoài kia.
Điều này chẳng khác gì cướp đi khả năng tự phát triển của trẻ cả, phụ huynh cần hiểu rằng họ có thể làm mọi việc vì con nhưng không thể cùng lớn lên với con, càng không thể sống mãi để giải quyết giúp con tất cả những vấn đề trong cuộc sống.
Vậy nên hãy để cho những đứa trẻ có không gian riêng để phát triển các kỹ năng sống và kỹ năng mềm cần thiết. Trẻ em càng tự lập thì tương lai chúng sẽ tự tin và thành công hơn.
2. Cha mẹ yêu thương nhau
Ông Theodore Hesburgh, Chủ tịch Đại học Notre Dame, Mỹ cho biết: "Điều quan trọng nhất mà người bố có thể làm cho các con của mình là yêu mẹ của chúng. Điều tốt nhất người mẹ dành cho con cái là đánh giá cao và ngưỡng mộ người bố".
Thực tế, nhiều cuộc khảo sát cũng đã chứng minh mối quan hệ vợ chồng tốt sẽ tạo ra con cái lành mạnh. Lớn lên trong gia đình hạnh phúc, con cái không chỉ lạc quan mà còn tin tưởng vào tình yêu.
3. Cha mẹ giỏi kiềm chế cảm xúc
Theo khảo sát 90% cha mẹ có nỗi lo lắng khi nuôi dạy con: Làm thế nào để giao tiếp tốt hơn với con cái? Nếu tôi không có thời gian dành cho con thì sao? Tôi nên làm gì với thành tích học tập của con?...
Chính những lo lắng khiến cha mẹ không thể quản lý tốt cảm xúc của họ. Khi thường xuyên mệt mỏi, lo lắng thì họ sẽ nhạy cảm, dễ mất bình tĩnh và cáu gắt.
Một đứa trẻ ở trong môi trường cảm xúc tiêu cực của người lớn một thời gian dài, một mặt chúng sẽ bị ảnh hưởng, trở nên hung bạo, nóng nảy. Mặt khác chúng không cảm nhận được tình yêu, sự chăm sóc của cha mẹ, gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống.
Nếu cha mẹ giỏi kiềm chế cảm xúc của mình thì đứa trẻ cũng là người giỏi quản lý cảm xúc. Khi đối mặt với vấn đề, đứa trẻ sẽ dùng cái đầu suy nghĩ thay vì để cảm xúc dẫn dắt.
Hãy tin rằng nếu bạn mang gió, mưa, u sầu, tối tăm và bi quan cho con bạn, thì chúng cũng sẽ đáp lại với gió, mưa, u sầu, bóng tối và bi quan; nếu bạn mang đến niềm vui, ánh sáng và tiếng cười thì con cũng có một cuộc đời như vậy.
4. Cha mẹ nói điều tích cực
Bạo lực ngôn ngữ mặc dù không gây tổn thương trên cơ thể, nhưng chúng thậm chí còn ảnh hưởng sâu sắc hơn cả những vết sẹo ngoài da. Với tâm hồn non nớt của một đứa trẻ, chúng sẽ ghi nhớ rất lâu những lời nói mang tính chê bai hoặc xúc phạm nặng nề. Điều đó vừa khiến trẻ mất hết sự tự tin, không tin tưởng vào năng lực của bản thân, lại vừa hình thành tâm lý nhạy cảm và đa nghi khi lớn lên.
Ngược lại, những lời lẽ tích cực mang tính khen ngợi và khích lệ sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn.
5. Cha mẹ thích đọc sách
Theo một khảo sát của Viện Hàn lâm khoa học giáo dục Trung Quốc, trong thời gian rảnh rỗi, cha mẹ đọc sách, báo thì tỷ lệ trẻ em có điểm xuất sắc cao hơn.
Khảo sát cũng cho thấy, những đứa trẻ trúng tuyển các đại học top đầu đều có điểm chung là thích đọc sách. Ở Hàn Quốc có bà Hesung Chun Koh, nổi tiếng với việc rèn giũa các con yêu thích đọc sách từ nhỏ. Kết quả là cả 6 người con của bà đều trở thành Tiến sĩ những trường đại học danh giá nhất thế giới như Harvard, Yale,…
Xã hội hiện nay, đọc sách không phải là gì cao siêu mà là kỹ năng cơ bản mọi đứa trẻ cần. Nếu muốn con mình thành công hãy nuôi dưỡng thói quen này từ nhỏ. Những đứa trẻ trúng tuyển các đại học top đầu đều có điểm chung là đọc sách.
So với nhiều phương pháp giáo dục hiện đại, đọc sách vẫn luôn là cách hiệu quả nhất tăng kiến thức cho trẻ. Mỗi bậc cha mẹ nên đọc nhiều để tạo ra sự giác ngộ cho con. Tất nhiên không dễ để buộc một đứa trẻ ngồi xuống đọc nhưng hầu như đứa trẻ nào cũng thích bắt chước hành vi của người lớn.