Mỗi ngày hiện nay của chị Phạm Triều Chính (33 tuổi, Gia Lai) trôi qua yên bình bên ông xã Andreas người Đức hơn 3 tuổi và con gái Julia sinh vào tháng 1 năm nay. Cuộc sống của gia đình chị hiện tại xoay quanh con gái 11 tháng tuổi. Vì dịch, chồng chị làm việc ở nhà nên cũng phụ chị trông bé. Ngoài việc chăm bé, chị đang phát triển kênh Youtube của riêng mình chia sẻ về ẩm thực và cuộc sống ở Đức nên cũng khá bận rộn mỗi ngày.
Tổ ấm nhỏ của chị Chính ở Đức.
Rể Tây “chết dở” vì ai mời gì cũng ăn
Chị Phạm Triều Chính sinh ra và lớn lên ở Plây Cu, Gia Lai. Chị từng tốt nghiệp cử nhân ngành văn hóa học thuộc khoa ngữ văn và văn hóa học ĐH Đà Lạt. Khi mới ra trường vào năm 2012, chị cũng từng làm nhiều dự án ăn chay, bảo vệ động vật với váy rau xà lách và từng được biết đến với tên gọi “Cô gái xà lách” khi gây sốt với chiếc váy xà lách kêu gọi bảo vệ môi trường hay váy lá dừa để quảng bá sản phẩm Việt Nam với du khách nước ngoài cũng như lập quỹ từ thiện mang tên “Tôi yêu Đà Lạt”. Còn chồng chị là anh Andreas, người Đức làm IT cho 1 công ty bảo hiểm của Đức.
Chia sẻ về câu chuyện tình yêu của vợ chồng mình, chị Chính cho biết, anh chị quen nhau qua mang và chủ yếu là yêu xa vì khoảng cách địa lý. Tất niên năm 2017 cũng là lần đầu tiên chị dẫn anh về gia đình mình ở Gia Lai ra mắt.
Nhớ lại kỷ niệm này, chị Chính cười kể, tất niên ở quê chị bao giờ cũng rất đông người, khoảng 30 người tham gia. Khi chị và anh vừa bước xuống xe là bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về anh Andreas. Ai nấy cũng tranh giành “thèng rể Tây phải ngồi bàn này”.
Thấy người nước ngoài nên mọi người khá thích thú và hiếu khách. Ai cũng gắp đồ ăn cho anh. Trong khi đó, anh Andreas là người thân thiện và ngại từ chối vì sợ mọi người buồn nền ai mời gì anh cũng ăn. Và do ăn quá nhiều nên anh “khóc dở mếu dở” khi bị tào tháo rượt cả đêm. Không chỉ vậy, gia đình chị ở một xã vùng núi, ít khi thấy người nước ngoài nên mỗi lần anh đi ra ngoài dạo, đám trẻ con trong xóm lại đi theo sau chỉ vì muốn nhìn người nước ngoài.
Anh chị phần lớn là yêu xa.
Kể về màn cầu hôn của anh dành cho mình, chị Chính cho hay, anh cầu hôn chị qua mạng vì cả 2 yêu xa là chủ yếu. Tuy nhiên anh cầu hôn chị trong tình huống vô cùng hài hước.
“Một hôm mình bệnh, mặt mũi trắng bệch, nhỏ bạn cùng phòng trọ có chụp hình của mình gửi cho anh và không nói gì. Anh nhìn hình thấy mình trắng bệch, trên người đắp chiếc áo thun của anh, anh nghĩ mình chết rồi, anh khóc lóc thảm thiết. Sau đó mình có nhắn tin lại cho anh, anh mới biết mình chỉ bị bệnh.
Thế nhưng qua chuyện đó anh biết được là anh yêu mình nhiều hơn anh nghĩ và trong giây phút nghĩ mình đã chết, anh cũng không thiết sống nữa nên anh không muốn lãng phí thời gian nữa. Anh cầu hôn mình qua mạng. Anh quay 1 clip quỳ xuống và hỏi mình “Will you marry me?” mình đã trả lời Yes”, chị Chính nhớ lại.
Bố mẹ chồng tâm lý, cho tiền tiêu vặt mỗi tháng
Sau khi anh Andreas cầu hôn được khoảng 20 ngày, anh chị đã tổ chức đám cưới ở Gia Lai quê chị. Cuộc sống thời gian đầu theo chồng sang Đức của chị gặp khá nhiều khó khăn vì phải học tiếng, làm quen với môi trường mới nhưng nhờ có ông xã và gia đình chồng luôn ở bên động viên, là động lực cho chị nên chị cũng thích nghi dần mọi thứ nhanh chóng.
Sau khi hoàn thành B1 tiếng Đức, khoảng 1 năm 6 tháng sau khi kết hôn, chị hạnh phúc khi nhìn thấy que thử thai 2 vạch trước 2 ngày sinh nhật anh Andreas. Đó cũng là món quà lớn nhất kể từ khi cưới đến giờ chị dành cho anh khiến anh ôm chị và khóc ngay khi nhìn thấy.
Ông xã quan tâm chăm sóc chị từng ly từng tí.
Quá trình mang bầu, đi sinh trong tình hình dịch bệnh, ông xã làm việc ở nhà nên cũng tiện chăm sóc chị mỗi ngày. Sau khi làm việc xong anh đều massage tay chân cho chị. Không những vậy, anh còn quan tâm chị từng ly từng tí, bôi kem chống rạn cho chị rồi luôn khen chị đẹp dù chị biết mình rất xấu xí khi xuất hiện những vết nám trên mặt. Anh còn tâm lý tìm mua các loại dưỡng da cho chị chăm sóc.
“Anh là một người chồng rất tâm lý. Mình còn nhớ con chào đời không khóc mà nắm ngón tay của anh nên anh đã khóc trong khoảnh khắc đó. Khi sinh xong, anh hỏi mình thích kim cương hay gì anh mua nhưng mình không cần những điều đó vì là vợ chồng rồi. Anh phụ mình chăm sóc Julia, thay bỉm, tắm rửa hay đưa đi đi khám định kỳ, tiêm ngừa anh đều phụ và đưa mẹ con đi nên chưa bao giờ cảm thấy cô đơn trên con đường chăm sóc và giáo dục con cái”, chị Chính chia sẻ.
Con gái Julia vô cùng đáng yêu của chị.
Không chỉ có chồng, chị Chính còn có bố mẹ chồng siêu tâm lý. Sau khi chị sinh xong, mẹ chồng đến và tặng lại chiếc nhẫn gia truyền của dòng họ. chiếc nhẫn được truyền bao đời nay của gia đình chồng chị. Biết chị xa quê nên bố mẹ rất hay an ủi, động viên khi chị buồn. Thậm chí bố chồng còn cho chị tiền tiêu vặt mỗi tháng. Chỉ những điều đơn giản, sự quan tâm nhỏ nhặt đó thôi cũng đủ khiến chị hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của mình.
Bố mẹ chồng chị cũng siêu tâm lý.