Tận khi yêu nhau được gần 1 năm thì tôi mới biết gia đình Thái rất có điều kiện. Trước đây thấy anh sống nhà Thái chỉ ở mức bình thường. Lương thưởng của anh hơn tôi một chút nhưng là phụ nữ tôi tự tin thu nhập của mình cũng ở nhóm khá cao.
Ngày về ra mắt nhà Thái, nhìn căn nhà khang trang bề thế của gia đình anh mà tôi có chút ngần ngại. Cũng may anh luôn cho tôi cảm giác yên tâm và an toàn. Tôi không biết bố mẹ anh có ghét bỏ tôi điều gì hay không nhưng sau đó mọi chuyện đều được giải quyết êm thấm. Đám cưới của chúng tôi nhanh chóng được lên kế hoạch tổ chức.
Trước đám hỏi không lâu, Thái đưa tôi đến tiệm vàng mua cho tôi một chiếc kiềng vàng 10 chỉ rất đẹp. Thái bảo nó là món quà anh tặng cho tôi đeo trong ngày ăn hỏi. Kềng vàng kết hợp với áo dài, tôi chắc chắn sẽ là cô dâu chuẩn bị về nhà chồng xinh đẹp và lộng lẫy nhất.
Nhận món quà từ chồng sắp cưới, tôi vui mừng và hạnh phúc vô cùng. Không phải vì số tiền lớn mà bởi vì anh luôn quan tâm đến tôi, mong muốn dành cho tôi những gì tốt đẹp nhất.
Trước đám hỏi không lâu, Thái đưa tôi đến tiệm vàng mua cho tôi một chiếc kiềng vàng 10 chỉ rất đẹp. (Ảnh minh họa)
Ngày ăn hỏi của chúng tôi cuối cùng cũng đến, dù tôi không yêu cầu nhưng bố mẹ Thái đã tổ chức đám hỏi vô cùng linh đình. Nhà trai mang 9 tráp rồng phượng hoành tráng đến nhà tôi cùng đội ngũ bê tráp toàn nam thanh nữ tú. Thật sự khiến cả một góc phố khu nhà tôi ở rộn ràng, náo nhiệt, làm bao người phải xuýt xoa ghen tị với tôi. Thực ra chung quy cũng bởi nhà Thái trọng mặt mũi, chứ chưa chắc đã là vì họ coi trọng tôi.
Trong lúc làm lễ, một bác gái ở đoàn nhà trai chợt kéo tôi nhắc rằng không được đi phía trước chồng, chỉ được đi sáng ngang vai hoặc tụt lại phía sau anh. Tôi hiểu quy tắc ấy nhấn mạnh vào vị thế và vai trò của người đàn ông. Họ luôn đi trước dẫn đầu, có vai trò trụ cột, đồng thời cũng nhắc nhở người phụ nữ phải nhún nhường nín nhịn chồng mình. Bản thân tôi thì nghĩ quy định ấy có phần cổ hủ, chính Thái cũng đâu có quan trọng điều đó.
Vậy nhưng mẹ chồng tôi lại thốt ra một câu đầy mỉa mai và châm chọc đủ để mấy người xung quanh đều nghe thấy: “Bố mẹ nó ly hôn khi nó còn nhỏ, giờ mỗi người đều sung sướng với hạnh phúc riêng, có quan tâm dạy dỗ gì đứa con riêng này đâu. Thế nên nó mới như vậy đấy. Chẳng hiểu thằng con tôi thế nào mà…”.
Mẹ Thái không nói hết câu nhưng tôi cũng đủ hiểu vốn dĩ bà không hề ưa tôi. Chẳng qua Thái kiên quyết lấy tôi làm vợ nên ông bà đành phải chấp nhận.
Mẹ chồng một khi đã có thành kiến nặng nề với tô, bà sẽ không bao giờ thay đổi được. (Ảnh minh họa)
Trong lòng tôi dâng đầy chua xót và phẫn nộ. Bà có thể không thích tôi nhưng bà không có quyền xúc phạm đến tôi thậm tệ như vậy. Bà nói đúng, bố mẹ tôi đều đã có hạnh phúc riêng và họ không mấy quan tâm đến tôi. Nhưng tôi còn có bà ngoại chăm sóc, dạy dỗ cẩn thận từng li từng tí từng tấm bé. Tôi luôn tự tin mình không hề thua kém ai về cả tài năng lẫn phẩm chất đạo đức. Có một gia đình không đủ đầy đâu phải là lỗi của tôi? Điều đó có đáng để bà miệt thị? Mẹ Thái nói thế thậm chí còn có ý khinh nhờn bà ngoại tôi - người tôi rất kính trọng nhưng giờ bà đã không còn nữa.
Có thể nhiều người sẽ nói tôi nông nổi hoặc tự ái quá cao. Nhưng Thái là người con trai duy nhất của ông bà, lấy anh nghĩa là tôi phải chấp nhận chung sống với mẹ chồng cả đời. Thái có thể bảo vệ tôi trong hiện tại nhưng anh không thể bảo vệ tôi mãi mãi về sau. Còn mẹ chồng một khi đã có thành kiến nặng nề với tôi, với kiểu người đánh giá người khác dựa trên chuyện ly hôn của bố mẹ họ, bà sẽ không bao giờ thay đổi được.
Sau đó Thái hết lời xin lỗi thay mẹ, mong tôi nghĩ lại nhưng anh không hề đả động một lời đến chuyện ra ở riêng. Mẹ Thái cũng không hề gọi điện cho tôi xin lỗi. Lúc ấy tôi biết rằng quyết định hủy hôn của mình là hoàn toàn đúng đắn.