Đến với chương trình Người thứ 3 tuần này, chị A (33 tuổi, sống tại quận Gò Vấp, TP.HCM) đã chia sẻ về câu chuyện bi kịch của gia đình mình. Chị cho biết, chị có một người bạn thân tên Thư, chơi với nhau từ năm học lớp 10. Chị và người bạn này đều biết rõ về gia đình của nhau, thậm chí thân tình đến mức chị A còn gọi mẹ của bạn thân là “mẹ”, ngược lại bố mẹ chị cũng coi Thư như con cái trong nhà.
Về cuộc hôn nhân của bố mẹ, chị A tâm sự bố mẹ chị đến với nhau không thuận lợi vì bị ông bà ngoại kịch liệt phản đối do nhận thấy tính trăng hoa của bố chị từ trước. Tuy nhiên, sau đó mẹ lỡ mang thai chị nên hai bên gia đình đành chấp nhận cho hai người đến với nhau.
Mẹ chị A là một người phụ nữ hiền dịu, ở nhà nội trợ và rất biết cách vun vén, chăm lo cho gia đình. Bố chị làm môi giới bất động sản, chịu trách nhiệm về kinh tế. Cuộc sống vợ chồng tuy thỉnh thoảng có những lúc cãi vã nhưng vẫn trôi qua êm đềm cho đến một ngày cách đây hơn 2 năm về trước.
Chiều hôm đó sau khi tan làm, chị A nhận được cuộc điện thoại từ Thư hẹn sang nhà chơi như nhiều lần trước đó. Đến nơi, chị bàng hoàng khi thấy tờ giấy siêu âm đặt trên bàn và được bạn thân thông báo đang mang thai.
“Mày quen ai sao tao không biết, mà giờ lại còn mang thai thế này thì tính sao?”, chị A lo lắng hỏi han nhưng rồi chị lại chết lặng khi nghe câu trả lời của câu bạn thân. “Là ba, ba mày”, cô bạn thân tên Thư nói.
Chị A chia sẻ về biến cố của gia đình chị với Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A trong chương trình Người thứ 3.
“Lúc đó tôi lạnh người luôn, vẫn nghĩ là bạn nói giỡn. Tôi gặng hỏi: ‘Mày giỡn hả? Tại sao mày lại nói có bầu với ba tao là sao? Tính ra mày có thể gọi bà tao là ba được đó?’”, chị A chia sẻ. Khi nhận được câu trả lời chắc nịch từ bạn thân, chị cố gắng giữ bình tĩnh, hỏi mục đích của cô bạn khi cho mình biết chuyện này là gì.
Mặc dù chen chân phá vỡ hạnh phúc gia đình bạn thân tới mức có thai với bố của bạn, nhưng cô nàng kia vẫn không hề cảm thấy có lỗi. Cô ta thẳng thắn trả lời, chị A và mẹ chị nghĩ sao không quan trọng, còn bản thân vẫn giữ lại cái thai và mối quan hệ sai trái này.
Vì muốn mẹ có một cuộc sống bình yên, chị A cầu xin người bạn giấu kín chuyện này, đừng để cho mẹ chị biết và được cô ta đồng ý. Sau đó, chị lái xe về nhà, cố giữ vẻ bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, “tiểu tam” tâm cơ không hề đơn giản như chị A nghĩ.
Vài ngày sau đó, chị A trở về nhà sau giờ làm, bước vào nhà là không khí u ám, lạnh lẽo. Biết chuyện chẳng lành, chị chạy vội lên phòng tìm mẹ và thấy bà đang ngồi dưới đất như người mất hồn.
“Thường mẹ tôi ở nhà nội trợ, nấu cơm, giặt giũ và lo cho bà ngoại vì bà lớn tuổi, đã yếu rồi. Nhưng hôm đó tôi về không thấy cơm nước gì hết. Tôi mở cửa phòng vào thì thấy mẹ ngồi bệt dưới đất, chắc trước đó mẹ đã khóc rất nhiều.
Khi tôi hỏi, mẹ mới nói “bố và cái Thư không hiểu sao có thai với nhau, nay nó đến tìm mẹ nói: ‘Cô đã nhận cái hạnh phúc đó mấy chục năm rồi, bây giờ cô làm ơn trao lại cái hạnh phúc đó cho mẹ con con đi’”, chị A kể lại.
Chị khuyên mẹ nên mặc kệ chuyện này, “nhường” quyền quyết định cho bố. Nếu bố muốn ly hôn đến với bạn thân của chị thì mẹ cứ ly hôn, chứ mẹ không việc gì phải nhọc lòng. Hai mẹ con cũng thống nhất với nhau giấu kín chuyện này, không cho em trai chị A biết.
Tuy nhiên, ả “tiểu tam” càng lúc càng quá quắt, thậm chí còn ghen ngược với mẹ chị A. Một hôm, cả gia đình chị đang ngồi ăn cơm thì Thư xông thẳng vào nhà, trách móc bố chị A.
Chị A nhớ lại: “Bình thường có mặt tôi, nó vẫn xưng hô với bố tôi là chú-cháu, nhưng hôm đó nó chẳng kiêng dè gì mà gọi anh xưng em. Nó trách móc bố tôi: ‘Em đợi cơm anh ở nhà anh không ăn, anh ăn cơm ở đây còn chặn điện thoại của em là sao?’. Mẹ tôi nói gia đình đang ăn cơm, khuyên nó đi về nhưng nó không đi, nhất quyết đòi một câu trả lời, nếu không nó sẽ tự tử ở nhà tôi”.
Mãi tới khi chị A thách thức, đòi gọi công an và tổ dân phố vào kéo cô ta đi thì Thư mới chịu rời đi. Trước khi đi, ả còn buông lời thách thức rằng không để cho gia đình chị được yên.
Sau biến cố đó, cuộc sống của gia đình chị A hoàn toàn bị đảo lộn. Bữa cơm gia đình trở thành những bữa cơm riêng lẻ, mạnh ai người nấy ăn vì mẹ chị không muốn ngồi chung mâm với bố nữa. Hai người cũng không còn ngủ chung phòng.
Về phía chị A, chị không thể nào gọi bố mình là “ba” được nữa. Cả gia đình không ai nói chuyện với ai, mỗi ngày mẹ chị đều sống như người vô hồn, tìm đến kinh Phật, khiến chị đau xót.
Trong một lần họp lớp, chị nghe một người bạn thân khác nói rằng Thư đã bỏ thai và về quê sinh sống. Đến nay sự việc đã trôi qua hơn 2 năm, chị A đã kết hôn và dọn ra ở riêng, nhưng nỗi đau trong lòng chị và người thân trong gia đình vẫn còn đó.
Chị không còn giao tiếp trực tiếp với bố nữa, thấy bố chị cũng lơ đi chỗ khác. Còn mẹ chị cũng không có lấy một nụ cười. “Ngày lễ Tết con cái, họ hàng đến chúc Tết, mẹ có cười nhưng tôi cảm nhận được nụ cười đó chỉ là để không khí vui hơn thôi”, chị A đau xót nói.
Đến với chương trình, chị A muốn bố và cô bạn thân “tiểu tam” nghe được nỗi lòng và những đau khổ mà mẹ con chị đã trải qua. Đồng thời, chị muốn cả hai chủ động xin lỗi mẹ chị, nhất là người bố.