Hơn 10 năm kết hôn, anh Phúc Trầm, một kỹ sư IT và vợ Nguyễn Xuân Bình, 47 tuổi, chủ một trường dạy lái xe ở Seatle bị cuốn vào cuộc sống mưu sinh.
Nhưng khi Covid-19 ập đến, mọi thứ gần như bị "đóng băng", có nhiều thời gian hơn khiến những nỗi nhớ quê hương Việt Nam, mảnh vườn trước nhà và những bữa cơm đạm bạc trỗi dậy trong lòng người vợ. Chị Bình tâm sự với chồng về ước mơ có một khu vườn trồng rau trái Việt và hoa hồng ở Seatle.
Song làm vườn đây không đơn giản vì mùa đông lạnh kéo dài, 4 tháng nhiệt độ dưới âm, không loài cây nhiệt đới nào sống được.
Anh Phúc đề nghị làm khu vườn nhỏ trong nhà kính để thỏa mong mỏi của vợ. Chưa từng có kinh nghiệm làm nhà kính, anh mày mò học trên mạng rồi tự mua vật liệu về làm.
"Mỗi ngày tôi dành ba tiếng trong suốt hai tháng thì xong được nhà kính", anh Phúc chia sẻ.
Anh mất thêm hai tháng nữa đào bỏ cỏ ở diện tích vườn còn lại, đổ đá dăm, lát gạch làm lối đi và dựng cổng cho khu vườn.
Các con rất hào hứng với công trình của bố, ngày nào cũng ra phụ giúp sơn gỗ, dựng rào, cuốc đất.
Đến khâu trồng cây, người chồng "nhường sân khấu" cho vợ vì nghĩ rằng mình không mát tay. Trong nhà kính khoảng 16 m2, chị Bình trồng cóc, ổi, sương sâm, thiên lý, ớt và các rau gia vị. Vườn ngoài trời hơn 200 m2, chị vẽ thiết kế để quy hoạch thành một khu trồng hoa hồng.
Người phụ nữ gốc Việt cho biết trước khi trồng chị hoàn toàn không biết gì về các giống hoa hồng. Đi sâu vào tìm hiểu chị mới nhận ra hồng "chợ" là các loại kém chất lượng, cánh mỏng, nhanh tàn, kém hương, kém sắc và không mang đặc trưng tên loài nào. Hồng "hiệu" là sản phẩm của các nhà lai tạo, nổi tiếng nhất là của David Austin. Hoa càng nuôi lâu sẽ càng to, càng chuẩn dáng và kháng sâu bệnh.
Hồng "hiệu" là những giống hoa có bản quyền, nghiêm cấm giâm ghép tùy tiện. Để mua được cây giống, chị phải chầu chực thức đêm, canh các kỳ mở bán những giống hoa quý. Nhưng không phải mua được đã có cây ngay, hãng sẽ căn chính xác thời tiết ở khu vực chị đang sinh sống để gửi cây giống.
"Tôi có ý định trồng từ hồi đầu dịch mà phải chờ tới tháng 12 để đặt đơn, rồi tới mùa xuân 2022 mới nhận được cây", chị cho biết.
Từ lúc có vườn, hàng ngày về tới nhà là chị lao ra vườn tỉa cây, thay đất, bón phân, xịt dưỡng. Có khi 12h đêm chị vẫn chong đèn ngoài vườn.
"Trồng hồng tôi lại như trở lại cái thời nuôi con nhỏ, thấy chúng có dấu hiệu bệnh xíu là lo lắng, tìm cách chạy chữa", chị nói.
Sau ba năm, vườn hồng hiện có 300 giống khác nhau. Mỗi ngày vợ, chồng và con cái đều muốn dẹp bỏ những việc riêng tư, dành thời gian bên nhau ngoài vườn. Suốt những bữa cơm mùa hè vừa qua, gia đình ngồi ăn ngoài sân để tận hưởng hương thơm ngào ngạt của hoa.
"Từ khi có vườn vợ chồng tôi trút bỏ bớt những bôn ba, bộn bề của cuộc sống, không còn cố làm sống chết để kiếm tiền nữa", người phụ nữ gốc Việt chia sẻ.
Khu vườn mới hình thành nhưng đã trở thành nơi hội tụ của những người Việt xa xứ. Niềm vui của chị Bình còn là cắt hoa kết thành từng bó để tặng bạn bè, người thân.
Anh Phúc Trầm cho biết những năm trước tâm trạng vợ hay bị buồn vào mùa đông. Nhưng từ lúc có nhà kính để có thể trồng rau cỏ Việt và hoa hồng, vợ anh luôn vui vẻ.
"Bạn bè hay trêu tôi chiều vợ quá. Tôi quan niệm 'happy wife, happy life' nên chỉ cần vợ muốn, khó đến đâu tôi cũng cố gắng làm", anh chia sẻ.