Tôi phải làm thế nào để vượt qua được bước khó khăn này? (Ảnh minh họa)
Thưa chuyên gia tâm lý! Tôi ly hôn đã 2 năm nay, gần đây tôi mới gặp người đàn ông phù hợp và chúng tôi muốn cùng nhau “đi bước nữa”. Nhưng tôi có con gái 7 tuổi, nó không muốn mẹ lấy chồng mới và nó ác cảm với tất cả những đàn ông nào muốn làm quen với tôi.
Tôi thấy khó nghĩ quá, hình như người bạn mới của tôi cũng không thích con tôi. Tôi phải làm thế nào để vượt qua được bước khó khăn này. Bởi vì nếu phải sống xa con hoặc phải chứng kiến cảnh mâu thuẫn thường xuyên của chồng với con riêng thì thà ở vậy nuôi con còn hạnh phúc hơn.
Chuyên gia đã gặp trường hợp nào thế này chưa và anh có lời khuyên nào bổ ích cho trường hợp của tôi thì tôi cám ơn rất nhiều. Tôi chờ đợi thư trả lời của anh. Chúc anh mạnh khỏe và thành công trong sự nghiệp.
CHUYÊN GIA TƯ VẤN
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa |
Chúng ta biết rằng quan hệ giữa các thành viên trong một gia đình bao giờ cũng dựa trên hai cơ sở là quan hệ huyết thống hoặc quan hệ lựa chọn. Tiếc rằng những đứa con riêng của họ rơi ra ngoài cả hai cơ sở đó. Chúng không cùng huyết thống với người chồng hay vợ mới đã đành. Chúng cũng không được lựa chọn mẹ kế hay cha dượng mà do người lớn lựa chọn nhau. Vì thế sự mâu thuẫn có thể nảy sinh giữa người này với con của người kia là điều rất dễ xảy ra.
Đây là một vấn đề tế nhị và nhạy cảm với trẻ thơ vì tâm hồn chúng còn non nớt rất dễ bị tổn thương. Bước khởi đầu để người yêu mới và con mình thân thiện với nhau là rất quan trọng. Nếu làm hỏng thì sửa chữa lại rất khó. Cho nên khi bạn đã gặp người mà bạn thực sự yêu và bạn muốn anh ấy cùng chung sống với mẹ con bạn thì hai thành viên đó của gia đình phải vui vẻ chấp nhận nhau mới sống hạnh phúc được.
Tôi đã gặp một người đàn ông bị đứa con riêng của vợ mới 16 tuổi đấm sưng vều cả môi và anh đành phải ly hôn không thể chung sống được. Có cách nào để anh ấy hòa nhập với các con mình, đặc biệt là khi chúng đã trải qua một cuộc ly dị đau đớn giữa cha mẹ nó. Tất nhiên không có một giải pháp chung cho mọi trường hợp nhưng có một số quy tắc mà bạn cần tuân thủ nếu muốn có một sự khởi đầu tốt đẹp.
Khi một người đàn ông xa lạ bước vào cuộc sống của mẹ con bạn có thể là khó hiểu với chúng. Cho nên bạn đừng vội vã chủ quan. Hãy tận hưởng thời gian hò hẹn với nhau trước khi giới thiệu anh ấy với con mình. Đừng nghĩ rằng trẻ em dễ làm quen với anh ấy một cách nhanh chóng. Hãy để chúng coi anh ta như một người bạn của mẹ.
Chúng cần thời gian để làm quen với người bạn mới của mẹ. Nên bạn khéo tổ chức những cuộc gặp gỡ “tình cờ” tại công viên hoặc nơi nào trung lập trong vài lần đầu bạn đi chơi cùng con và “vô tình” gặp anh ấy. Hãy thiết kế những hoạt động vui chơi khác nhau khiến trẻ em thích thú.
Nếu chúng có vẻ lạnh nhạt với người yêu mới của bạn, bạn không thể buộc chúng phải thích anh ấy ngay. Cứ để mối quan hệ ấm dần lên một cách từ từ càng tốt, cần có thời gian để anh ấy chinh phục chúng qua cái cầu nối là bạn.
Bạn hãy nói với người yêu về con mình, những gì nó thích và không thích. Điều này sẽ giúp anh ấy có các cuộc trò chuyện hay vui chơi với con bạn. Hãy nhớ rằng, không phải người đàn ông nào cũng biết cách gây thiện cảm với trẻ em. Đừng để con bạn cảm thấy như chúng bị “ra rìa” hoặc ít nhất là chúng không được ở bên mẹ nhiều như trước.
Bạn có thể mê say người yêu nhưng đừng chiếm quá nhiều thời gian của bạn với con. Nó sẽ nhìn anh ta như một kẻ xâm chiếm hết tình cảm của mẹ nếu bạn dành cho anh ta hầu hết thời gian rảnh rỗi của mình.
Bạn sẽ phải hối tiếc nếu mối quan hệ giữa anh ấy với con bạn xấu đi. Bạn hãy làm thế nào tăng cường thời gian nhiều hơn với con, vì chúng dễ bị tổn thương vào lúc này. Nếu bạn thành công ở bước khởi đầu những bước sau rất dễ. Chúc bạn thành công và có hạnh phúc mới!
Tuy nhiên theo tôi không nhất thiết anh ấy cứ phải sống cùng mẹ con bạn. Nếu mỗi người ở một nhà như hiện nay và chỉ gặp nhau ở đâu đó khi nào mong muốn thì đó cũng là cuộc sống thú vị lắm đấy bạn ạ, không phải ai cũng có được đâu. Còn hơn là về sống cùng nhau nhưng chỉ làm tổn thương nhau và theo thống kê của chúng tôi tỷ lệ tan vỡ của những cuộc hôn nhân lần thứ hai trong thực tế lại cao hơn lần thứ nhất đấy bạn ạ.