Chồng tôi đi công tác về, đêm đó chúng tôi rất vui vẻ và cả hai đã có một giấc ngủ ngon. Ngày hôm sau khi thức dậy, chồng đã chuẩn bị bữa sáng cho tôi trước khi đi làm. Bên cạnh là một tờ giấy nhắn: “Chuyện em nói lần trước, cứ làm như lời em nói đi”.
Đọc được những dòng này, tôi ngồi đó òa khóc và nhận ra 3 sự thật.
Ảnh minh họa
1. Nếu nhắc đến từ ly hôn quá nhiều, một ngày nào đó nó sẽ thành sự thật
Tôi và chồng bằng tuổi. Tôi là một họa sĩ, anh là giám đốc cấp cao của một công ty nước ngoài. Bên nhau 10 năm, chúng tôi có với nhau 2 đứa con, con trai 5 tuổi và con gái 8 tuổi.
Sở dĩ chúng tôi rơi vào tình cảnh như hiện tại không phải vì sự xuất hiện của người thứ 3 mà do nhiều vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày.
Chồng tôi rất bừa bộn, hay bày đồ đạc khắp nơi và không để ý nhiều đến con trẻ. Tôi nhờ anh đi đón con về thì bật nước nóng để tôi về có thể tắm luôn cho con, nhưng anh không bao giờ làm. Bảo anh uống nước xong hãy úp cốc gọn gàng nhưng tôi luôn là người đi sau dọn đống lộn xộn đó. Anh cũng không biết sắp xếp công việc nhà sao cho hợp lý, tôi luôn phải nhắc nhở, giải thích,…
Thời gian trôi qua, tôi thực sự mất kiên nhẫn. Mỗi lần cãi nhau, tôi thường không tự chủ được mà thốt ra hai từ ly hôn. Khi nói ra hai từ này, một phần tôi cảm thấy chán nản mà muốn ly hôn thật, một phần là hy vọng chồng sẽ biết sợ và sửa đổi bản thân.
Trước khi đi công tác, chồng tôi lại làm sai chuyện gì đó nên tôi lại nói với anh ấy 2 từ ly hôn. Không ngờ, lúc anh ấy về, anh lại thực sự muốn ly hôn chứ không dỗ dành tôi hay chiến tranh lạnh như trước nữa.
Vậy đấy, một khi nói 2 từ ly hôn quá nhiều, có thể nó sẽ thành hiện thực. Bởi mỗi lần thốt ra hai từ ly hôn, nó sẽ giày vò nhau, dần bào một tình cảm của cả hai và đến một ngày sẽ chẳng còn gì nữa.
Ảnh minh họa
2. Hôn nhân là chấp nhận những điều không thể chấp nhận
Nhà là gì? Nhà là nơi trú ẩn nhỏ của hai người. Trở về nhà là thời gian thư giãn, vợ chồng cần khen ngợi, động viên nhau, nhìn thấy nhiều hơn những điểm sáng của nhau, bớt trách móc mà trân trọng, quan tâm nhau hơn.
Điều cấm kỵ nhất giữa các cặp vợ chồng chính là việc bạn muốn thay đổi đối phương trở thành nửa kia lý tưởng của mình. Nếu yêu, hãy cố gắng chấp nhận mọi ưu điểm và nhược điểm của anh ấy và đừng bao giờ cố gắng thay đổi anh ấy. Ngược lại, hãy thay đổi bản thân và từ từ thích nghi với mối quan hệ, cuộc hôn nhân của bạn mới bền lâu được.
Ảnh minh họa
3. Khi hôn nhân gặp sóng gió, đừng vội vứt bỏ mà hãy sửa chữa nó
Sau khi chồng đề nghị ly hôn, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng chọn cách ngồi nói chuyện với chồng một cách thẳng thắn. Tôi bày tỏ những điểm chưa được ở chồng, mong muốn ở anh cũng như lỗi của bản thân. Đồng thời, tôi cũng mong anh thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của anh về tôi, mong muốn điều gì để sửa chữa cuộc hôn nhân này.
Vì vẫn còn yêu, vì thương hai con nên chúng tôi đồng ý cho nhau cơ hội cuối cùng để sửa chữa. Thật may, chúng tôi đã làm được.
Qua chuyện này tôi nhận ra, đã gọi nhau một tiếng vợ chồng, đã xem nhau là gia đình thì phải thấu hiểu lẫn nhau, đừng chỉ chăm chăm ai đúng ai sai, ai khổ hơn ai. Trên đời, không có người đàn ông hoàn hảo, cũng không có người phụ nữ toàn năng. Nếu nửa kia tuyệt vời và hoàn mỹ như mong muốn của bạn thì người họ lựa chọn để kết hôn cùng chưa chắc đã là bạn.
Đôi khi chính những khuyết điểm lại là duyên đưa bạn đến với nhau, vậy nên hãy chấp nhận và sửa đổi nó. Hôn nhân, khác với tình yêu, hôn nhân không chỉ là yêu mà còn là chấp nhận, nhẫn nhịn và bao dung.
Nhưng không phải mọi cuộc hôn nhân đều thuận lợi, không phải mọi gia đình đều êm ấm và hạnh phúc. Nếu hôn nhân của bạn đang gặp phải sóng gió, đừng vội vứt bỏ mà thử sửa chữa bằng cách ngồi lại nói chuyện, chia sẻ, đồng cảm cùng nhau vượt qua khó khăn.
Dù thành hay bại thì chí ít khi nhìn lại, bạn cũng không phải hối hận vì bạn đã cố gắng hết sức rồi.