Ảnh minh họa
Theo The Sun, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) cho hay, số lượng những vụ lừa tình chiếm đoạt tiền qua mạng đã tăng gấp 6 lần chỉ trong vòng 5 năm từ 2017 đến 2021. Và trong 3 năm qua, những người bị lừa tình theo kiểu này nhiều hơn bất kỳ hình thức lừa đảo nào khác được báo cáo cho FTC.
Những kẻ lừa đảo đã kiếm được hơn 139 triệu USD từ người già 60 tuổi trở lên ở Mỹ trong năm 2020. Con số này cao hơn 65% so với năm 2019 với gần 84 triệu USD, theo báo cáo bảo vệ người tiêu dùng lớn tuổi 2020-2021 của FTC công bố.
Trong số tất cả trò lừa đảo mà FTC theo dõi, lừa đảo tình ái gây ra thiệt hại cao nhất (dựa trên số liệu được báo cáo) đối với những người ở độ tuổi 60-79. Và những người từ 70 tuổi trở lên báo cáo mức thiệt hại trung bình cao nhất từ các vụ lừa tình là 9.475 USD.
Đặc biệt, trong bối cảnh giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19, người lớn tuổi dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội càng trở thành miếng mồi ngon cho bọn lừa đảo.
Thống kê của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng cho thấy trong năm 2021, người Mỹ đã mất hơn 1 tỷ USD vì lừa tình qua mạng. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ trên 40 tuổi, phụ nữ góa chồng, ly hôn, già yếu hoặc tàn tật.
Mặt khác, ở Đông Nam Á, một nghiên cứu vào tháng 2 của Kaspersky đã chỉ ra gần một nửa người dùng từng là nạn nhân của các cuộc lừa tình qua mạng.
Tuy hầu hết số tiền lừa đảo trong các vụ việc này đều dưới 100 USD, điều đáng chú ý là tỷ lệ nạn nhân tập trung vào 2 thế hệ lớn tuổi nhất: Baby Boomer (sinh ra trong giai đoạn 1946-1964) và Silent Generation (1918-1945) với 33%. Trong khi đó, chỉ có 8% người dùng thuộc thế hệ GenZ cho biết họ bị mất 10.000 USD vì các vụ lừa đảo tình ái trên mạng.
Ảnh minh họa
"Càng trẻ chúng ta càng tò mò và mạo hiểm. Đến khi về già, chúng ta có có quá nhiều thời gian và các khoản tiền tiết kiệm, tiền nghỉ hưu. Những tội phạm công nghệ cao biết rõ rằng đối tượng người lớn tuổi sẽ cảm thấy cô đơn và mong muốn sự quan tâm vì họ không thể ra ngoài nhiều như thời còn trẻ", Chris Connell, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ.
Trả lời phỏng vấn với ABC7, Steve Bernas, CEO của Better Business Bureau of Chicago & Northern Illinois cho hay con số nạn nhân của những vụ lừa đảo ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn có những người không dám tố cáo vì quá xấu hổ.
Theo chuyên gia, dấu hiệu rõ nhất cho thấy mọi người đang vướng phải một vụ lừa đảo là khi đối phương liên tục có lý do không thể gặp mặt.
Patti Poss, một luật sư cấp cao thuộc Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng của FTC cho biết: "Không phải lúc nào người bị lừa cũng tìm kiếm tình yêu. Nhiều người báo cáo rằng, kẻ lừa đảo bắt đầu bằng một lời mời kết bạn hoặc một tin nhắn bất ngờ. Bằng những cách làm tinh vi, chúng sẽ trò chuyện, phát triển mối quan hệ sau đó tìm cách moi tiền''.
Những kẻ lừa đảo tình cảm thường tạo hồ sơ giả trên các trang web và ứng dụng hẹn hò như Ashley Madison, Grindr, Match và Tinder. Chúng cũng nhắm mục tiêu vào người dùng trên mạng xã hội Instagram và Facebook, theo FTC.
Tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người cao tuổi AARP thậm chí đã ghi nhận trường hợp một phụ nữ 75 tuổi bị một kẻ mà bà quen biết qua trò chơi Words With Friends lừa mất số tiền 137.000 USD.
Những kẻ lừa tình qua mạng thường ngụy tạo một vỏ bọc là một người nước ngoài, đang làm việc trên một giàn khoan dầu, làm trong quân đội hoặc là một bác sĩ của một tổ chức quốc tế. Chúng cũng hướng nạn nhân chuyển sang các kênh liên lạc khác như email, điện thoại và tin nhắn, gieo hy vọng cho họ về một mối quan hệ tình cảm nhưng tuyệt nhiên không bao giờ muốn gặp mặt trực tiếp ngoài đời.
Ảnh minh họa
Sau khi đã gây dựng được lòng tin với các nạn nhân, đích đến cuối cùng của những kẻ lừa đảo luôn là tiền bạc. Chúng sẽ bịa ra một lý do khẩn cấp như đi lại, nằm viện hoặc các chi phí khác để yêu cầu nạn nhân hỗ trợ bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng hoặc tiền điện tử.
Theo dữ liệu của FTC, hình thức chuyển khoản và thanh toán qua ngân hàng chiếm gần 1/3 số vụ lừa tình đối với người cao tuổi với tổng số tiền lên tới 31 triệu USD. Trong khi khoảng 12 triệu USD được lấy thông qua thanh toán bằng tiền điện tử.
Nhiều nạn nhân cho hay, bọn lừa đảo viện cớ đại dịch COVID-19 để lừa tiền hoặc làm lý do hợp lý cho việc không thể gặp mặt trực tiếp.