Sau khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, nhiều cặp vợ chồng đã bị choáng ngợp, xảy ra xích mích vì vòng vây của củi, dầu, mắm, muối. Nhất là sau khi có con, trách nhiệm ngày càng tăng lên, nếu không biết cách vun vén thì nhà cửa khó lòng êm ấm được.
Tiểu Doãn và chồng là Tiểu Khải (sống tại Trung Quốc) đã kết hôn sau 3 tháng quen biết. Sau khi kết hôn, họ sinh hạ được hai người con, nếp tẻ đủ cả. Người vợ ở nhà chăm sóc hai con, còn người chồng ra ngoài kiếm tiền.
Một nhà 4 người đáng nhẽ ra sẽ có một cuộc sống rất êm ấm, hạnh phúc nhưng Tiểu Doãn lại có những nỗi khổ riêng. Vì chị không có thu nhập nên bị phụ thuộc vào chồng, đã thế vài tháng này chồng còn hiếm khi đưa tiền sinh hoạt phí cho chị.
“3-4 tháng nay, anh ấy căn bản không đưa đủ tiền sinh hoạt phí cho tôi. Tháng này anh chỉ cho tôi 400 tệ (khoảng 1,3 triệu đồng), tháng trước chỉ đưa 100 tệ (khoảng 330 triệu đồng). Tôi nghĩ là do mẹ anh ấy, vì bà cầm thẻ lương của chồng tôi”, Tiểu Doãn bức xúc nói.
Chị Tiểu Doãn rất bức xúc vì chồng không đưa tiền cho mình.
Nghe những gì con dâu nói, bà Lý thừa nhận bà thực sự đang giữ thẻ lương của con trai mình. Bà cho biết, hai năm đầu sau khi con trai cưới vợ, thẻ lương của con trai bà luôn nằm trong tay con dâu. Nhưng đôi vợ chồng trẻ lại tiêu tiền như nước, sau khi bàn bạc xong mới quyết định đưa thẻ lương của Tiểu Khải cho bà giữ hộ.
“Tụi nó lập gia đình rồi, tôi không muốn cầm thẻ lương của con trai, nhưng chúng đã tự tay đưa nó cho tôi. Tôi chưa bao giờ hỏi lương tháng của con trai là bao nhiêu, một xu trong thẻ lương của con trai tôi cũng không động vào”, bà Lý nói.
Về chuyện này, Tiểu Doãn thừa nhận quả thực sau khi hai vợ chồng thảo luận, họ đã quyết định đưa thẻ lương cho mẹ chồng giữ, nhưng đó là vì chồng không tin chị, không còn cách nào khác nên chị đành chiều theo ý chồng.
Tuy nhiên, điều Tiểu Doãn bức xúc hơn cả là chồng tuy có gia đình nhưng vẫn ăn chơi trác tác, hễ bạn bè gọi là bỏ mặc vợ con, ngày nào cũng nhậu nhẹt bên ngoài vì nhiều lý do. Vì chồng như vậy nên gia đình mới khó khăn về kinh tế.
Bà Lý thừa nhận con trai tiêu xài hoang phí, thậm chí vay nợ bên ngoài, có lần bà còn phải đứng ra trả nợ cho con. “Nó kiếm được 3 – 4.000 tệ mỗi tháng (khoảng 10-13 triệu) nhưng chỉ để ra được 800 tệ (gần 3 triệu). Ai mà ngờ sau đó còn lòi ra nợ ngoài 30.000 tệ (gần 100 triệu)”, bà Lý bất lực nói.
Bà Lý thừa nhận con trai mình tiêu xài hoang phí.
Trước những lời buộc tội của mẹ và vợ, Tiểu Khải thừa nhận anh nợ tiền bên ngoài, toàn bộ số tiền đó đều được dùng để ăn nhậu, vui vẻ với bạn bè. Tuy nhiên anh lại lập luận: “Tôi biết vợ chán ghét việc tôi nhậu nhẹt, tiêu xài hoang phí nhưng tôi vẫn đi làm, bươn chải kiếm tiền, có để cả nhà bị đói không? Tôi tiêu tiền cho việc hưởng thụ, đó là quyền của tôi. Tôi làm ra tiền, tôi có quyền tiêu xài.
Cô ở nhà chăm con cả ngày, không đi ra ngoài cũng không phải sắm sửa gì cho gia đình thì cần đến tiền làm gì? Mẹ tôi trả tiền nhà, bỉm sữa của con cũng là mẹ lo”.
Nghe chồng nói vậy, người vợ tỏ ra rất tức giận nhưng thay vì đổ lỗi cho chồng, chị lại phàn nàn về nhà chồng. Chị cảm thấy mỗi lần chồng nợ tiền vì ăn chơi, nhà chồng không những không trách mắng mà lại thay anh trả nợ, theo thời gian mới khiến anh ngày càng tiêu xài hoang phí như vậy. Chị nhiều lần tâm sự chuyện này với nhà chồng, nhưng bố mẹ chồng không những không hiểu mà còn trách móc chị, thậm chí khuyên hai người ly hôn.
Trước lời buộc tội của mẹ và vợ, Tiểu Khải cho rằng anh làm ra tiền thì anh có quyền tiêu.
Ngồi bên cạnh nghe con dâu nói vậy, bà Lý nói: “Cách đây ít lâu, con trai và con dâu nhờ chúng tôi trả khoản nợ bên ngoài 30.000 tệ, nhưng chúng tôi già rồi không có khả năng trả nên không giúp được. Tưởng con cái sau khi lập gia đình rồi thì có thể tự lập, nhưng chúng tôi vẫn phải chu cấp một khoản cho chúng nó. Cứ hễ có mâu thuẫn hay vấn đề gì đều tìm đến hai ông bà già này. Nếu chúng nó không ở được với nhau, sống không hạnh phúc thì ly hôn cho rồi”.
Tiểu Doãn liên tục đổ lỗi cho nhà chồng mà không hề nhận ra rằng mối quan hệ giữa mình và chồng, tổ ấm của mình cần phải do chính hai người duy trì, vun vén. Không nhịn được nữa, hòa giải viên đành lên tiếng: “Hai người đã kết hôn, là một gia đình độc lập thì nên tự vun vén cho tổ ấm của mình. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cần phải sống trong khả năng tài chính của mình. Ngoài việc độc lập về tài chính, cả hai cũng phải độc lập về tinh thần. Nếu có mâu thuẫn với chồng thì hai người cùng nhau thương lượng giải quyết, đừng chỉ biết đến nhà chồng”.
Sau một hồi thuyết phục, cảm xúc của Tiểu Doãn dần nguôi ngoai, chị cũng nhận ra lỗi lầm của chồng là không nên đổ lỗi cho mẹ chồng. Vì vậy chị sẵn sàng sửa đổi những suy nghĩ sai lầm của mình vì gia đình nhỏ.
Người hòa giải cũng phân tích thêm cho người chồng, cuối cùng Tiểu Khải cũng bắt đầu nhận ra rằng, sau khi kết hôn anh dành hết thời gian và tiền bạc cho bản thân, ít dành cho vợ con. Chính sự thiếu trách nhiệm với gia đình là lý do khiến hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn vì chuyện tiền bạc.
“Tôi sẽ kiểm điểm bản thân, sau này sẽ không thế nữa. Đứa nhỏ sắp đi nhà trẻ, không thể cứ chơi bời mãi như thế được”, Tiểu Khải nói. Bên cạnh đó, anh hứa sẽ trả hết nợ càng sớm càng tốt, bỏ tật tiêu tiền bừa bãi, không làm cho gia đình lo lắng nữa. “Chỉ cần anh chịu thay đổi, em sẵn sàng bỏ qua quá khứ để cùng anh làm lại”, Tiểu Doãn nói.
Về phía bà Lý, bà cũng bày tỏ rằng bà sẽ tin tưởng con trai mình lần cuối, và bà đã trao thẻ lương của con trai cho hai vợ chồng tự quản lý.