Tháng 12/2016, tại Tòa án nhân dân quận Hồng Khẩu, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, vợ chồng ông bà Hạ đã đưa con dâu Trần Lâm ra tòa, đòi quyền thăm nom cháu nội. Họ cáo buộc rằng kể từ sau khi con trai họ, anh Hạ Diên qua đời vào năm 2011, cô Trần Lâm đã đưa con trai về quê ngoại ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy và không cho họ gặp cháu.
Trong 6 năm đó, ông bà Hạ luôn tìm nhiều cách để được gặp mặt cháu nhưng bị cô Trần Lâm ngăn cấm. Hai năm trước, khi nghe tin cháu trai xuất hiện trên một chương trình truyền hình, 2 ông bà đã theo dõi không sót tập nào. Nhìn thấy cháu mình đã khôn lớn, họ vô cùng xúc động và càng mong mỏi được gặp cháu hơn. Nghe đến đây, ai cũng nghĩ rằng cô Trần Lâm quá đáng nhưng người phụ nữ này lại kể ra một phiên bản chuyện hoàn toàn khác, giúp mọi người có cái nhìn toàn diện hơn.
Hóa ra, ân oán giữa cô Trần Lâm với bố mẹ chồng rất phức tạp. Trước đây, ông bà Hạ từng 2 lần kiện con dâu ra tòa, đây là lần thứ ba. Mọi chuyện bắt nguồn từ cuộc hôn nhân giữa cô Trần Lâm với anh Hạ Diên.
Cô Trần Lâm và anh Hạ Diên quen nhau từ thời đại học, mối quan hệ vẫn luôn tốt đẹp. Sau khi ra trường, cả 2 đã kết hôn rồi cùng nhau tới Vương quốc Anh để tiếp tục việc học. Đến năm 2010, cô Trần Lâm phát hiện có thai. Vì việc sinh con ở nước ngoài có nhiều thủ tục rắc rối nên cô Trần Lâm đã quyết định trở về Trung Quốc, còn anh Hạ Diên vẫn tiếp tục ở lại Anh.
Không lâu sau, cô Trần Lâm hạ sinh một bé trai và phải một mình chăm sóc con khi xa chồng. Thế nhưng vào tháng 8/2011, cô thấy bố mẹ chồng đăng lên mạng rằng họ đang đến Anh để chăm sóc anh Hạ Diên bị tai nạn đuối nước. Cô Trần Lâm đã rất sốc bởi nếu không thấy bài đăng này, cô không hề biết có chuyện xảy ra với chồng mình. Cô vội vàng nộp đơn để sang Anh nhưng bị từ chối. Sau đó, cô liên lạc với bố mẹ chồng thì nhận được tin "sét đánh ngang tai" rằng anh Hạ Diên không thể cứu được, đã qua đời.
Cô Trần Lâm vô cùng suy sụp và đau đớn khi đột nhiên mất chồng nhưng thái độ của bố mẹ chồng với cô lại rất thờ ơ. Khi Trần Lâm hỏi về chuyện đám tang, ông bà Hạ chỉ nói qua loa rằng sẽ an táng anh Hạ Diên tại Anh. Cô Trần Lâm tiếp tục hỏi về tương lai của đứa con thì ông bà Hạ nói rằng sẽ lo liệu cho cháu, không cần lo lắng.
Nào ngờ sau cái chết của con trai, ông bà Hạ không hề đoái hoài gì tới con dâu và cháu nội, không hỏi han hay chu cấp gì. Vì lẽ đó, cô Trần Lâm mới tức giận đem con về Hợp Phì.
Đến năm 2012, cô Trần Lâm bàng hoàng khi bị bố mẹ chồng kiện ra tòa, yêu cầu trả lại 150.000 nhân dân tệ (gần 490 triệu đồng). Cô Trần Lâm không hiểu đây là chuyện gì bởi cô chưa từng vay mượn bố mẹ chồng. Lúc này, ông bà Hạ mới lấy ra một tờ giấy ủy quyền, trong đó ghi rằng họ đã chuyển cho vợ chồng cô Trần Lâm và anh Hạ Diên 150.000 NDT để đầu tư chứng khoán và sau này 2 vợ chồng sẽ hoàn trả. Họ cho rằng bây giờ con trai đã qua đời thì cô Trần Lâm có trách nhiệm trả khoản nợ này.
Hóa ra, khoản tiền này được ông bà Hạ chuyển cho con trai để đầu tư chứng khoán trong khoảng thời gian cô Trần Lâm đang về Trung Quốc sinh con nên cô không hề biết gì. Mặc dù vậy, do cô Trần Lâm không có bằng chứng rõ ràng nên tòa án đã kết luận rằng cô phải trả nợ cho ông bà Hạ. Trở thành mẹ đơn thân, không có sự hỗ trợ từ nhà ngoại, cô Trần Lâm rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Khi sự việc đó vẫn chưa kết thúc thì vào năm 2013, ông bà Hạ tiếp tục kiện con dâu ra tòa lần hai, lý do là tranh giành quyền thừa kế. Trước khi sinh con, cô Trần Lâm đã mua một căn nhà trị giá 700.000 NDT (gần 2,3 tỷ đồng) với khoản vay 500.000 NDT (hơn 1,6 tỷ đồng). Sau khi chồng qua đời, cô Trần Lâm nghĩ rằng căn nhà sẽ thuộc về mình và con trai, không ngờ bố mẹ chồng lại tham lam đến vậy. Cuối cùng, tòa phán quyết ông bà Hạ có quyền được chia 1/4 quyền thừa kế căn nhà và cũng phải chịu 1/4 khoản vay mua nhà.
Hai vụ kiện liên tiếp xảy ra khiến cô Trần Lâm không còn chút sức lực nào. Một mình nuôi con, chưa từng nhận được sự giúp đỡ của bố mẹ chồng, cô còn bị họ liên tục gây rắc rối. Mọi chuyện tưởng như đã lắng xuống thì cơn bão khác lại ập đến. Năm 2014, cô Trần Lâm đột nhiên bị hạn chế chi tiêu, không thể mua được vé tàu và vé máy bay. Hóa ra, do khoản nợ 150.000 NDT kia vẫn chưa trả được, cô đã bị bố mẹ chồng nộp đơn cưỡng chế. Lúc ấy, cô cảm thấy bố mẹ chồng chỉ quan tâm đến tiền mà không màng tình cảm.
Trước những lời buộc tội này, ông bà Hạ lại tuyên bố một tin gây sốc: Cô Trần Lâm từ lâu đã ly hôn với con trai họ, không còn là con dâu nhà họ Hạ nữa. Họ cũng đưa ra bằng chứng cho thấy cô Trần Lâm và anh Hạ Diên đã thực sự ly hôn chỉ 1 tháng trước khi anh Hạ Diên qua đời.
Hóa ra sau khi sinh con, cô Trần Lâm rất muốn chồng trở về Trung Quốc với mình nhưng anh Hạ Diên bị bố mẹ ngăn cản. Nhiều lần thúc ép không được, cô Trần Lâm nghĩ đến cách đệ đơn ly hôn thì chồng bắt buộc phải về nước để giải quyết. Sau khi anh ấy về, 2 người sẽ bàn bạc lại với nhau.
Sau đó, cô Trần Lâm tiết lộ một sự thật gây sốc khác về anh Hạ Diên, khiến ai nấy sững sờ. Một năm sau cái chết của chồng, cô Trần Lâm luôn cảm thấy lấn cấn nên đã tự mình sang Anh tìm hiểu. Nhờ đó, cô mới biết rằng chồng mình đã ngoại tình. Khi bị chết đuối, anh ta chỉ có bạn gái bên cạnh, lực lượng cứu hộ cho rằng anh ta chưa kết hôn nên mới liên hệ với ông bà Hạ chứ không phải liên hệ với cô Trần Lâm. Ông bà Hạ biết rõ chuyện này nhưng vì không muốn con trai mang tiếng xấu nên mới không kể gì.
Trong quá trình tìm hiểu, cô Trần Lâm còn biết được rằng trước khi anh Hạ Diên qua đời, ông bà Hạ đã lấy mẫu tinh trùng của con trai để lưu giữ, sau này có thể dùng để thụ tinh nhân tạo, duy trì nòi giống cho nhà mình. Họ căn bản không quan tâm gì đến đứa con của cô Trần Lâm. Chỉ đến khi thấy cháu khôn lớn, họ mới nóng lòng muốn nhận lại.
Theo quy định của pháp luật, ông bà Hạ đã không chăm nom và chu cấp cho cháu trai suốt nhiều năm, coi như người dưng, nên bây giờ cũng không có quyền thăm cháu. Tuy nhiên, thẩm phán vẫn nghĩ đến tương lai của đứa trẻ, chủ trương đề xuất phương án hòa giải giữa cô Trần Lâm với ông bà Hạ.
Tháng 12/2016, thỏa thuận hòa giải giữa đôi bên được đưa ra. Ông bà Hạ không ép buộc cô Trần Lâm trả nợ nữa. Cô Trần Lâm cũng đồng ý cho ông bà Hạ tới thăm cháu trai 2 tháng một lần cho đến khi đứa trẻ trưởng thành và có quyền tự chủ.