Kết quả của một cuộc khảo sát hồi tháng 1/2023 với 2.200 người Mỹ do Hiệp hội đồ gia dụng quốc tế thực hiện, cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp ở khác phòng. Gần 2/3 trong số đó ngủ riêng mỗi đêm.
Chia sẻ trên tờ New York Times, nhiều cặp vợ chồng cho biết việc ngủ riêng sẽ có thể giúp họ có không gian cá nhân và giảm sự nhàm chán trong hôn nhân.
Valerie Weisler (24 tuổi) sống cùng chồng ở thành phố New York. Tuy nhiên cô đề nghị được có phòng ngủ riêng.
"Tôi thấy sợ nếu ngủ chung với chồng. Có điều gì sai khi tôi muốn làm vậy sao?. Bạn gặp một ai đó, hẹn hò, yêu đương rồi về chung một nhà. Nhưng điều đó đâu có nghĩa là phải yên giấc cùng một giường", Weisler chia sẻ.
Ngủ riêng phòng cho phép các cặp vợ chồng điều chỉnh giờ giấc phù hợp hơn. Ảnh minh họa
Trong khi đó, Ky Dates (22 tuổi) là chồng của Valerie, lại có suy nghĩ khác. "Ngủ chung phòng là điều thường lệ của các cặp vợ chồng và cảm thấy hoang mang khi vợ tôi làm ngược lại", Ky Dates nói.
Cũng theo Ky Dates: "Tôi cảm thấy hoang mang và lo lắng. Phải chăng đó là dấu hiệu của một mối quan hệ đang gặp trục trặc".
Sau khi được vợ giải thích về việc coi trọng không gian cá nhân trong thời gian du học ở nước ngoài, Ky Dates cuối cùng cũng đồng ý.
Trường hợp của vợ chồng Ky Dates không ngoại lệ. Khi việc ở chung nhà nhưng ngủ riêng khá phổ biến đối với các cặp vợ chồng ở Mỹ.
Theo một số chuyên gia về tâm lý gia đình, họ cho rằng tạo không gian riêng cho nhau có thể là bí mật để giúp họ giữ hạnh phúc gia đình.
Ngủ riêng giúp các cặp đôi giảm xung đột
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Y khoa Pittsburgh, ngủ chung giường với bạn đời mắc chứng ngủ không yên/mất ngủ... có thể khiến bạn mất 49 phút ngủ mỗi đêm. Khi một bên không có giấc ngủ ngon vì nửa kia, điều đó có thể sẽ dẫn đến xung đột giữa hai phía vào ngày hôm sau.
Thực tế chỉ ra rằng những cặp đôi có xu hướng ngủ không ngon giấc thường xuyên xảy ra xung đột so với những cặp thức dậy sau một đêm ngon giấc. Mặt khác, những người có giấc ngủ ngon thường có tâm trạng tốt, mức độ căng thẳng thấp hơn và kiên nhẫn hơn.
Bạn rất dễ cảm thấy cáu kỉnh, bực dọc sau một đêm bị gián đoạn hoặc ngủ ít. Ảnh minh họa
Ngủ riêng có thể mang các cặp vợ chồng đến gần nhau hơn
Lợi ích lớn nhất của việc ngủ riêng là có giấc ngủ chất lượng và cải thiện cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Shelby Harris, giám đốc sức khỏe giấc ngủ của tổ chức Sleepopolis, cho biết, giấc ngủ tốt có thể cải thiện trí nhớ, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, trầm cảm, đau tim, đột quỵ và tăng chất lượng cuộc sống tổng thể. Con người dành khoảng một phần ba cuộc đời để ngủ, do đó, việc ưu tiên cho giấc ngủ chất lượng cao là rất hợp lý.
Nghe có vẻ ngược nhưng ngủ riêng có thể mang các cặp vợ chồng đến gần nhau hơn, vì một giấc ngủ ngon sẽ giúp cải thiện tâm trạng của mỗi người. Ngoài ra, ly hôn khi ngủ có thể ngăn chặn cảm xúc tiêu cực tiềm ẩn, bắt nguồn từ việc ngủ không ngon giấc. Bạn rất dễ cảm thấy cáu kỉnh, bực dọc sau một đêm bị gián đoạn hoặc ngủ ít.
Tiến sĩ Harris đưa ra lời khuyên: "Có thể có nhiều lo lắng và thắc mắc về việc tìm kiếm thời gian thân mật nếu các cặp đôi chọn ngủ riêng. Lên lịch quan hệ tình dục thường xuyên hoặc chọn một chiếc giường để quan hệ và âu yếm, có thể giúp đảm bảo rằng nhu cầu của đôi bên được đáp ứng khi các bạn không còn ngủ chung giường với nhau nữa".
Sự cáu kỉnh với bạn đời khi họ khiến bạn ngủ không yên có thể làm hủy hoại mối quan hệ
Ngáy, trằn trọc và trùm chăn kín đầu... là vài trong số nhiều lý do tại sao một số cặp vợ chồng chọn ngủ khác giường hoặc thậm chí khác phòng. Nằm thức lắng nghe người bạn đời của bạn ngáy trong khi bạn không thể đi vào giấc ngủ có thể dẫn đến sự tức giận, căng thẳng và giận dữ đối với đối phương.
Theo Jennifer Adams, tác giả cuốn sách "Sleeping Apart Not Falling Apart", ngủ trong phòng ngủ riêng biệt có thể giúp mối quan hệ phát triển mạnh mẽ vì cả hai đều không bị thiếu ngủ.
Giấc ngủ bị gián đoạn cũng có thể gây ra các hậu quả sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Ảnh minh họa
Dành thời gian cho bản thân
Tina Cooper - một nhân viên xã hội - ngủ khác phòng với chồng, vì thói quen ngủ của họ trái ngược nhau. "Tôi là một con cú đêm, anh ấy là một người thích dậy sớm. Tôi cần những âm thanh dịu êm để có thể chìm vào giấc ngủ, trong khi anh ấy thích sự im lặng. Anh ấy thích một tấm nệm cứng, còn tôi thích những chiếc gối mềm mại, to. Vì tôi không thích ánh sáng mặt trời đầu ngày, anh ấy đã dành cho tôi phòng ngủ chính, nơi có ít ánh sáng hơn, trong khi anh ấy có căn phòng đón nắng, giúp anh được đón ánh bình minh yêu thích".
Cách bạn dành cả đêm ngủ chung với bạn đời cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động ban ngày. Sự hài lòng trong hôn nhân cũng như sức khỏe tâm lý và thể chất của bạn vì thế giảm sút. Việc thay đổi bản thân chỉ để làm hài lòng nhu cầu của đối tác có thể gây hại cho mối quan hệ về lâu dài.
Ngủ khác phòng đồng nghĩa với việc cả hai sẽ có một nơi riêng tư, nơi họ có thể thư giãn sau một ngày mệt mỏi.
"Khi thả mình trên giường sau một ngày dài mệt mỏi, tôi có thể thoải mái nằm dài, duỗi tay chân hoặc cuộn tròn trong đống chăn. Đó là thời điểm duy nhất trong ngày tôi có thể làm bất cứ những gì mình muốn mà không cần nghĩ đến bất cứ ai ngoại trừ bản thân mình." - Tina nói.