Chú rể và phù dâu diễn cảnh "nóng bỏng" tại đám cưới

Một số người xung quanh hô lớn “hôn nhau đi” để trêu đùa hai người. Chẳng ngờ, chú rể lại thực sự đứng lên và chạm vào môi phù dâu.

Sự việc xảy ra ở một đám cưới tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).

Theo đó, phù dâu, phù rể và bạn bè đã bày trò chơi để náo tân hôn cô dâu chú rể sau khi nghi lễ đám cưới kết thúc. Mọi người đề ra trò chuyền giấy. Chú rể sẽ nhận một mẩu giấy từ phù dâu, sau đó chuyển lại cho cô dâu, tất cả đều phải thực hiện bằng miệng.

Bắt đầu trò chơi, phù dâu cố ý ngậm phần lớn mảnh giấy để "tăng độ khó" cho chú rể. Tuy nhiên, chú rể không ngại ngùng, đưa sát miệng vào gần môi phù dâu để lấy tờ giấy. Đúng lúc này, một người ở phía sau đã ấn đầu phù dâu tới trước khiến hai người môi chạm môi.

Chú rể và phù dâu diễn cảnh "nóng bỏng" tại đám cưới - 1

Phù dâu và chú rể chơi trò chuyền giấy theo đề nghị của mọi người để náo tân hôn

Tình huống bất ngờ khiến chú rể và phù dâu vô cùng lúng túng, chỉ biết cười ngượng ngùng trong tiếng la hét thích thú của mọi người. Do chú rể mới chỉ cắn được một nửa tờ giấy, hai người phải chơi lại.

Lần này, tờ giấy chỉ còn một mẩu siêu nhỏ, muốn lấy chú rể chắc chắn phải chạm môi phù dâu lần nữa. Một số người xung quanh trêu đùa "hôn nhau đi". Chẳng ngờ, chú rể lại thực sự đứng lên và chạm vào môi phù dâu.

Hành động của chú rể khiến phù dâu sững sờ. Tuy khá tức giận nhưng cô không thể hiện ra ngoài để tránh ảnh hưởng tới không khí đám cưới, chỉ đánh nhẹ vào người chú rể để cảnh cáo.

Chú rể sau đó đã cắn tờ giấy và đưa cho cô dâu bằng miệng, hoàn thành thử thách. Anh cũng hôn cô dâu của mình vì lúc này mẩu giấy chỉ còn rất nhỏ.

Trong suốt trò chơi, dường như chỉ có phù dâu cảm thấy khó chịu và xấu hổ. Những người xung quanh đều hào hứng cổ vũ, không hề bênh vực hay bảo vệ cô. Bản thân cô dâu tận mắt chứng kiến chồng mình hôn phù dâu chẳng những không ghen tuông, khó chịu mà còn rất vui vẻ, cười rất to để cổ cũ trò chơi.

Chú rể và phù dâu diễn cảnh "nóng bỏng" tại đám cưới - 2

Phù dâu xấu hổ đánh nhẹ chú rể để cảnh cáo hành vi quá mức của anh ta

Sau khi được chia sẻ, những hình ảnh về màn náo hôn nói trên lập tức "gây bão" cộng đồng mạng với nhiều bình luận khác nhau. Cư dân mạng càng tranh cãi gay gắt hơn khi một số người phát hiện phù dâu là một trong số những người em họ của cô dâu.

Nhiều người cảm thấy chú rể rất quá đáng vì trong tình huống như vậy, anh hoàn toàn có thể từ chối chơi và giữ chừng mực. Một số khác chỉ trích những người xung quanh khi không can ngăn kịp lúc, đồng thời cho rằng những trò chơi phản cảm như vậy cần bị xóa bỏ.

Một số người lại khẳng định cô dâu chắc chắn chỉ đang "cố tỏ ra là mình ổn", rõ ràng rất lúng túng và bối rối nhưng không dám biểu hiện ra mặt. Cô dâu thực sự đã quá bao dung và hiền lành nên không nổi giận nhưng chắc chắn không hề cảm thấy dễ chịu và vui vẻ như mọi người thấy.

Tục náo động phòng bị "biến tướng" ở Trung Quốc

Tập tục "náo hôn", nghĩa đen là "tạo nên sự hỗn loạn ở đám cưới", có truyền thống từ thời nhà Hán, vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên.

Khách mời thường yêu cầu cô dâu chú rể phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ, nhằm đảm bảo không khí sống động của đám cưới và tỏ rõ tình thân hữu.

Trước đây, đôi vợ chồng mới cưới thường bị làm khó bằng những màn như hôn môi hoặc một số việc có thể khiến cô dâu e lệ, xấu hổ.

Những trò náo hôn còn được mở rộng sang phù dâu trong các đám cưới thời hiện đại.

Chú rể và phù dâu diễn cảnh "nóng bỏng" tại đám cưới - 3

Tục náo tân hôn ở Trung Quốc bị đẩy đi xa quá mức với ý nghĩa ban đầu. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, sau này, tập tục trên lại bị biến tướng thành những trò đùa quái ác, đi quá xa gây phản cảm và thậm chí có trường hợp cô dâu, phù dâu bị tấn công tình dục.

Những trò đùa quá lố để náo tân hôn khiến nhiều cư dân mạng chỉ trích và nhiều người còn nói họ không dám kết hôn vì sợ những trò đùa như vậy.

Theo một cuộc khảo sát do báo China Youth Daily thực hiện, 80% người được khảo sát cho biết họ bị bạn bè chọc phá vào đêm tân hôn và hơn 50% cho biết không thích nghi lễ náo động phòng.

Nhà nghiên cứu phong tục dân gian Ai Jun ở Bắc Kinh cho biết các phong tục văn hóa biến đổi dần qua thời gian nhưng phong tục náo động phòng đã thay đổi theo hướng xấu xí, làm mất đi ý nghĩa cốt lõi ban đầu của nó.

Mặc dù nhiều người đang kêu gọi cơ quan chức năng can thiệp nhưng bà Ai Jun cho rằng không thể đưa ra luật để cấm phong tục này và chính phủ nên tuyên truyền để giáo dục người dân.