Chia sẻ trên một diễn đàn mạng xã hội ở Malaysia, một cô gái kể mình và người yêu đang tính năm sau làm đám cưới. Vấn đề lớn nhất giữa hai người là thu nhập của cô gái cao gấp 3 lần thu nhập của người yêu.
Thực tế, mỗi khi đi chơi cùng nhau thì cô gái đều trả tiền. Thậm chí, thỉnh thoảng cô còn đưa tiền cho người yêu vì anh ấy chỉ kiếm được tiền vừa đủ sống. Vào những ngày sinh nhật hay dịp kỷ niệm, cô còn thấy khá cay đắng khi chưa bao giờ được nhận quà.
Vì vậy, cô thấy lo lắng cho tương lai nên không muốn làm đám cưới.
Bạn trai kiếm tiền không đủ sống khiến cô gái phân vân về việc làm đám cưới. Ảnh minh hoạ
Cô cũng giải thích không phải cô tính toán nhưng là phụ nữ, cô cũng muốn được người yêu mua cho thứ nọ thứ kia, hay ít nhất là lúc hẹn hò cũng chia đôi hóa đơn chứ. Cô không thể tưởng tượng ra việc sau này cưới nhau thì cuộc sống sẽ thế nào, khi mà trong thời buổi này "cái gì cũng cần tiền".
Câu chuyện của cô gây tranh cãi rất nhiều, một số người bảo rằng cô gái nên "đồng cam cộng khổ" với người yêu, đừng đặt nặng vật chất và ưu tiên tình cảm. Nhưng cũng không ít người có cách nhìn thực tế, cho rằng "chỉ tình yêu không thôi thì đâu thể mua thức ăn".
Trong tình yêu, tiền bạc quan trọng thế nào?
Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Tennessee, Knoxville (Mỹ) cho thấy, dù quan hệ có hạnh phúc đến đâu, tiền bạc là chủ đề gây bất đồng với hầu hết cặp vợ chồng.
Nghiên cứu cho thấy, người có nhiều tiền hơn chắc chắn có điểm cộng trên thị trường hẹn hò. Việc tò mò về tình hình tài chính của đối tác tiềm năng là điều bình thường, bất kể mối quan hệ đang ở mức nào.
Tiền cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự kết thúc của một mối quan hệ. Ảnh minh hoạ
Damona Hoffman, Huấn luyện viên hẹn hò của nền tảng OkCupid kiêm người dẫn chương trình của The Dates & Mates Podcast, khẳng định người kiếm được nhiều tiền hơn sẽ dễ dàng thu hút được các đối tác tiềm năng hơn số còn lại.
Tuy nhiên, tiền cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự kết thúc của một mối quan hệ. Theo một cuộc khảo sát từ Viện phân tích tài chính ly hôn, vấn đề tiền bạc là nguyên nhân thứ ba dẫn đến ly hôn, sau sự không hòa hợp và sự không chung thủy. Người chủ trì cuộc khảo sát cho biết: "Nhiều cặp vợ chồng thiếu kỹ năng giao tiếp để giải quyết những bất đồng tài chính trong cuộc hôn nhân của họ".
Vậy làm thế nào mà một thứ được cho là điểm cộng lại có thể đặt dấu chấm hết cho rất nhiều mối quan hệ? Câu trả lời là giá trị chung và mục tiêu chung trong mối quan hệ đó. Trên thực tế, mỗi người được nuôi dạy khác nhau và đến từ các nền tảng kinh tế xã hội khác nhau. Do đó, cách chúng ta nghĩ và hiểu về tiền sẽ khác nhau đáng kể.
Theo chuyên gia Hoffman, giữa hai người có thể không có sự hòa hợp về mục tiêu, giá trị chung, tuy nhiên việc thảo luận mang lại cho cả hai phía cơ hội để hiểu đối tác của mình và thỏa hiệp, đối với những lựa chọn quan trọng.
Nói về tiền là một chủ đề nhạy cảm trong mọi bối cảnh, đặc biệt khi đang hẹn hò. Một cuộc khảo sát của Wells Fargo cho thấy mọi người thấy nói về chính trị, tôn giáo còn dễ hơn nói về tài chính cá nhân. Dù vậy, khi bước vào một mối quan hệ cần chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về tình trạng tài chính của mình.