Người vợ đầu tiên ly hôn tôi vì sau 6 năm chung sống vì không có con, nguyên nhân là vì tôi. Ngày đó, tôi tốn khá nhiều tiền để chữa trị nhưng không thể có tin vui. Trước sức ép của nhà ngoại, sợ tuổi thanh xuân của con gái trôi đi, cuối cùng tôi buộc phải ký vào đơn ly hôn để giải thoát cho vợ.
Sau khi rời xa tôi, cô ấy lấy chồng mới và sinh được 2 người con. Vì vẫn còn tình cảm với vợ cũ nên tôi thỉnh thoảng vẫn qua lại thăm gia đình và chơi với bọn trẻ nhà cô ấy. Dường như chồng của cô ấy không thích sự có mặt của tôi nên mỗi lần thấy tôi đến chơi anh ấy hay nói kháy.
Không muốn nhìn thấy tôi cô đơn lẻ loi sớm tối, cuối cùng vợ cũ làm mai cho tôi với 1 người phụ nữ góa chồng và nuôi 3 đứa con thơ. Ngày đó, tôi không muốn đi bước nữa nhưng giận câu nói của vợ cũ nên tôi chấp nhận lấy vợ mới. Cô ấy nói:
“Mấy năm qua, mỗi lần anh đến nhà em chơi là vợ chồng em lại cãi nhau 1 trận. Anh định làm khổ em đến khi nào nữa?”.
Lúc đầu tôi không mặn mà với cuộc hôn nhân mới nhưng sống chung 1 nhà, tôi dần nhận thấy vợ là người phụ nữ chịu thương chịu khó và rất đáng thương. Chồng cũ của cô ấy mất sớm, 1 mình kiếm tiền nuôi 3 con ăn học là rất cực khổ nhưng chưa bao giờ vợ kêu than nửa lời.
Tôi không muốn đi bước nữa nhưng giận câu nói của vợ cũ nên tôi chấp nhận lấy vợ mới. (Ảnh minh họa)
Thương vợ, tôi thương luôn những đứa con riêng của cô ấy và rồi gia đình tôi dần gắn bó với nhau. Lấy nhau suốt 2 năm nhưng vợ chưa bao giờ hỏi lương tôi được bao nhiêu, chồng đưa cho đồng nào biết đồng đó.
Tôi thay đổi thái độ với vợ con trong 1 lần bị tai nạn xe. Khi tôi tỉnh táo thì thấy vợ con đang chăm sóc bên cạnh. Tôi hỏi vợ lấy tiền đâu mà chữa trị cho chồng? Cô ấy nói:
“Trong nhà em luôn để dành 3 chỉ vàng phòng lúc gia đình có biến cố xảy ra. Thế là em bán mấy chỉ vàng đó đi để đóng viện phí cho chồng. Tiền mất còn lấy lại được, anh mà có mệnh hệ gì, mẹ con em sống sao nổi. Thế nên anh cứ yên tâm nằm dưỡng bệnh, tiền nong đã có em lo”.
Sự chân thành và tình yêu của vợ làm trái tim tôi rung động thật sự. Sau lần nằm viện đó, tôi đưa hết lương và tài sản có được cho vợ giữ. Từ ngày có thêm 1 khoản thu nhập nữa, vợ bớt khổ hơn nhưng cô ấy không chi tiêu hoang phí, chỉ chi tiền cho những việc cần thiết. Vợ chồng tôi tự dặn nhau là không bao giờ tiết lộ tài sản hay lương cho các con biết để tránh sinh thói ỉ lại.
Suốt 17 năm qua, tôi thương yêu chăm sóc các con của vợ như con mình. Thế nhưng khi các con đã có gia đình riêng và kể từ khi vợ mất, những đứa con đó rất thờ ơ xa lánh dượng.
Khi tôi tỉnh táo thì thấy vợ con đang chăm sóc bên cạnh. (Ảnh minh họa)
Từ ngày vợ mất, chuyện ăn uống của tôi rất tạm bợ, mỗi bữa chỉ có bát cơm nguội chút nước mắm cũng xong. Ăn uống thiếu chất khiến sức khỏe của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi muốn đến sống nhà các con của vợ để tuổi già được yên ổn nhưng không con nào ngỏ ý rước đi dùm.
Hôm trước, vào ngày giỗ vợ, con cháu có mặt đông đủ, tôi nói rõ bản thân muốn đến nhà 1 người con sống. Thế nhưng các con đùn đẩy cho nhau, không ai chịu nuôi dượng.
Đến lúc này, tôi buộc phải dùng kinh tế ra để nói chuyện với các con:
“Lương hưu của bố mỗi tháng là 14 triệu, nếu con nào chịu nuôi ông già này đến hết đời thì sẽ giao luôn thẻ lương cho giữ”.
Lời tôi vừa nói xong thì các con tranh nhau nuôi bố dượng khiến tôi giận vô cùng. Tôi và vợ vất vả nuôi các con khôn lớn, vậy mà khi lớn lên thành những đứa tham lam ích kỷ, chỉ biết đến tiền mà không quan tâm đến dượng.
Giờ thì cả 3 con đều muốn nuôi dượng, các con ở cách nhau vài trăm cây số. Bây giờ tôi không biết nên chọn lựa thế nào cho phải nữa.