Bữa tiệc cưới đơn giản mà hai vợ chồng trẻ đãi gia đình
“Con gái thường hay mơ mộng màu hồng, làm sao như truyện cổ tích và như ngôn tình lãng mạn. Em từ nhỏ cũng mong một đám cưới ấm cúng với đầy đủ người thân hai gia đình, anh chị em và bạn bè. Thế nhưng, trước tình hình COVID-19, hoàn cảnh không cho phép như mong đợi nên làm sao cho gọn gàng, vẫn đủ ý nghĩa là điều mà hai bên gia đình thống nhất”, nữ điều dưỡng Lê Thị Thủy Trang, khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chia sẻ.
Cô dâu Thủy Trang và chú rể Hoàng Nguyên
Cô dâu Thủy Trang và chú rể Hoàng Nguyên quen nhau được hơn 1 năm thì tiến tới hôn nhân. Nhà của Thủy Trang ở Côn Đảo còn nhà chồng ở Đắk Nông. Ban đầu, đôi bên gia đình bàn tính làm tiệc cưới đãi khách khoảng 300 người.
“Thời gian quen và yêu nhau, tụi em nhắn tin cho nhau, giống như là quen nhau lâu lắm rồi. Khi yêu, ai cũng chiều chuộng người yêu của mình cả. Chồng em cũng không ngoại lệ. Em hy vọng tình cảm sau này vẫn mãi như thế. Rồi tụi em mong được về chung một nhà" - Trang chia sẻ.
Cô nhắn tin cho tôi, đời người con gái ai không muốn 1 đám cưới hoàn hảo, đủ gia đình 2 bên, họ hàng và bạn bè thân thiết hả chị! Nhưng, khi cơn sóng thứ tư của dịch COVID-19 bùng phát trở lại, khu nhà xung quanh bị cách ly, phong tỏa, TPHCM giãn cách…, đôi vợ chồng trẻ quyết định làm một đám cưới đặc biệt, đám cưới online, với quy mô 3 người, không có sự góp mặt của 2 bên gia đình và quan khách để đảm bảo được an toàn cho người thân cũng như cộng đồng.
“Tụi em cũng muốn trở thành một gia đình để được chăm sóc nhau, yêu thương nhau, mà em cũng không biết dịch khi nào mới hết. Ba mẹ coi cho tụi em ngày lành tháng tốt, ngày 5/6/2021 và không muốn dời ngày vì dịch bệnh. Nên tụi em nói với gia đình về việc hai đứa em sẽ làm đám cưới online. Mọi người cũng tán thành vì hai bên đã biết mặt nhau rồi. Mọi người thấy thương tụi em và nói sau này sẽ bù cho tụi em,” Cô dâu trẻ hạnh phúc.
Minh Thư, em chồng cô, chia sẻ rằng: “Khu gần nhà bị cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nên đám cưới có 3 người thôi. Mượn tạm ông Thần Tài, ông Thổ Địa và Phật Bà Quan Âm chứng giám ngày lành tháng tốt.”
Đây cũng là lần đầu tiên Minh Thư tự tay bó hoa, trang điểm, kiêm luôn chụp hình cưới cho anh chị. Còn chú rể Hoàng Nguyên tự mình thổi bóng bóng, trang trí nhà cửa. Cô dâu tự làm bánh mứt. Đám cưới chỉ có 3 người, đơn giản mà vui dạt dào.
“Khi làm đám cưới online, tụi em cũng hơi buồn một chút. Gia đình họ hàng ai cũng buồn. Nhưng dịch bệnh đang diễn ra, em lại làm trong ngành y, nên hiểu rõ những áp lực trong việc phòng chống dịch COVID-19. Vì vậy, việc tuân thủ quy định của Nhà nước, ngành y tế và lãnh đạo bệnh viện là điều thiết yếu ngay lúc này,” Thủy Trang tâm sự.
Mọi người thân chúc phúc cho cô dâu chú rể qua online
Cô lại vui mừng bày tỏ khi đám cưới của cô được nhiều người chúc phúc. Đám cưới online giống như là một thử thách dành cho tình yêu của vợ chồng cô vậy. Đám cưới của họ trở thành một kỷ niệm khó phai.
Bữa tiệc cưới là một buổi tối đầm ấm với cô em chồng và cậu mợ tranh thủ ghé qua trao quà cưới.
Ý chí của con người là vô hạn!
Bạn có thể đọc được trên báo rằng điều dưỡng dứt sữa cho con để xông pha ra trận chiến chống dịch Covid-19. Có cô điều dưỡng trẻ hy sinh mái tóc trước khi bước vào tâm trận. Có điều dưỡng không về gặp mẹ lần cuối, phải lập bàn thờ bái vọng…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) từng khẳng định, trong phòng chống bệnh dịch COVID-19, lực lượng điều dưỡng, hộ sinh đã đóng góp rất hiệu quả cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế khác từng bước đẩy lùi bệnh dịch. Họ không có ngày nghỉ, xa gia đình, xa con nhỏ, liên tục miệt mài tham gia phòng chống dịch.
“Người điều dưỡng tham gia điều tra xác định người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng đến tiếp nhận, khám sàng lọc, chăm sóc người bệnh tại khu cách ly trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như sàng lọc, quản lý người nghi ngờ nhiễm, người có thể nhiễm của các địa điểm cách ly tập trung”-PGS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Cô dâu hiện là điều dưỡng đang công tác tại BV Nguyễn Tri Phương
Trong các cơ sở y tế, dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng quan trọng; giúp người bệnh được hưởng các dịch vụ tốt, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cũng đã rất xúc động khi nói về những nhân viên y tế của bệnh viện mình trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Ông viết rằng, người chiến sĩ áo trắng dù ra trận hay ở lại hậu phương đều đang phải gồng gánh trách nhiệm chữa trị và chăm sóc người bệnh. Không phải chỉ phòng chống và chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 mà còn rất nhiều bệnh nhân mắc các loại bệnh tật khác cũng đang cần được điều trị tại bệnh viện.
Nữ điều dưỡng trẻ Thuỷ Trang
Áp lực khủng khiếp của dịch bệnh đột nhiên ập đến, gần như chúng ta chưa được chuẩn bị. Nhưng bằng cách này hay cách khác, chúng ta đã kịp động viên nhau để đoàn kết chống dịch. Theo ông, vào những ngày tháng chống dịch Covid-19 này, chúng ta đã chứng minh với nhau rằng “ý chí của con người vô hạn.”