Bố chồng đã mất nhiều năm, mẹ chồng thì tuổi cao sức yếu nên sau cưới vợ chồng tôi sống chung với bà. Tuy lương hưu hàng tháng không nhiều nhưng mẹ vẫn đóng góp vào tiền sinh hoạt phí, dù tôi bảo không cần.
- Con cứ cầm lấy không phải ngại đâu. Đỡ được cho các con đồng nào hay đồng ấy, chứ con không cầm mẹ cũng ngại, cảm thấy mình già rồi vô dụng, tạo gánh nặng cho con cháu.
Mẹ chồng là người dễ gần, hòa đồng và đối xử với tôi rất tốt. Bà biết vợ chồng tôi đều bận bịu công việc nên chưa bao giờ để tôi động tay động chân vào việc nhà.
Mẹ chồng đối xử với tôi rất tốt. (Ảnh minh họa)
Cưới nhau không lâu, tôi có thai, mẹ chồng càng chăm chút cho tôi hơn. Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, tôi sinh con trai đầu lòng. Quãng thời gian ở cữ mẹ chồng kiêng cữ cho tôi nhiều lắm, bữa ăn lúc nào cũng đầy ắp, đủ chất. Sự chăm sóc tận tình của mẹ chồng khiến tôi rất cảm kích, biết ơn.
6 tháng sau sinh mẹ chồng lại trông con cho tôi đi làm. Nói chung, cuộc sống những năm đầu hôn nhân của tôi vô cùng êm ấm, hạnh phúc, tôi chẳng mong ước gì hơn nữa.
Thế nhưng tới năm thứ 3, vợ chồng tôi lại xảy ra cãi vã không ngừng vì chồng sa vào cờ bạc. Nhiều lần khuyên nhủ, răn đe mà anh vẫn đâm đầu vào đó.
Mỗi lần báo nợ về nhà, anh lại thề thốt hứa hẹn. Vì con cái, vì mẹ chồng tôi lại tha thứ, cho anh cơ hội sửa sai. Nhưng không, anh bỏ được 1 tuần, vài tháng rồi lại chơi tiếp.
Sau 2 năm trầy trật vì chồng, tôi quyết định ly hôn. Sau ly hôn, chồng cũ không gửi được đồng nào cho tôi nuôi con, vì tiền kiếm được bao nhiêu anh đều đổ hết vào cờ bạc.
Ngược lại, mẹ chồng cũ vẫn đối xử rất tốt với tôi. Tuần nào bà cũng đến thăm tôi và cháu nội, khi thì đưa túi rau bà tự trồng, khi thì món đồ chơi nho nhỏ, vừa nhận lương hưu xong bà cũng cho cháu nội một ít. Tôi tôn trọng mẹ chồng từ tận đáy lòng nên mặc dù đã ly hôn, tôi vẫn gọi bà là mẹ.
Mới đó mà tôi và chồng cũ đã ly hôn được 2 năm. Cách đây một thời gian anh bỗng thường đến thăm mẹ con tôi rồi ngỏ ý tái hôn. Bố mẹ tôi thấy anh có vẻ thay đổi, giờ đã biết quan tâm tới gia đình hơn nên thuyết phục tôi tái hôn.
- Hai đứa vẫn còn một đứa con trai. Bố mẹ ly hôn con cái là người tổn thương nhiều nhất. Bây giờ nó đã thay đổi, biết tu chí làm ăn rồi, con hãy cho nó cơ hội để sửa sai, bù đắp lỗi lầm đi. Không gì bằng có bố ruột, mẹ ruột ở bên đâu con à.
Thấy chồng cũ thay đổi, bố mẹ liền khuyên tôi tái hôn vì con trai. (Ảnh minh họa)
Sau vài tháng lưỡng lự, quát sát chồng cũ, tôi quyết định tái hôn với anh. Nhưng đúng lúc chúng tôi đang làm thủ tục tại ủy ban thì tôi bất ngờ nhận được điện thoại can ngăn của mẹ chồng.
- Con không được tái hôn với nó. Thằng con trai trời đánh của mẹ đang mắc nợ cờ bạc bên ngoài rất nhiều. Hôm nay chủ nợ đến tận nhà đòi thì mẹ mới biết. Mặc dù mẹ cũng muốn con làm con dâu của mẹ, nhưng mẹ không thể nhìn con nhảy vào hố lửa được.
Khi mẹ chồng nói những lời này, chồng cũ đang ở ngay bên cạnh. Anh ấy cũng nghe thấy, hốt hoảng giải thích:
- Anh không có ý giấu em đâu. Tại vì anh sợ, nếu biết anh có nợ thì em sẽ không chịu tái hôn. Nhưng em đừng lo, chẳng phải bố mẹ em mới chia cho em một mảnh đất sao. Chỉ cần em bán mảnh đất đó đi, giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn này thì anh hứa sau này sẽ không bao giờ đánh bạc nữa. Sau này mọi việc anh đều nghe lời em có được không?
Nhìn dáng vẻ quỵ lụy của chồng cũ, tôi cảm thấy thật nực cười, chán ghét tới cùng cực. Hóa ra anh ta muốn lợi dụng tôi, lăm le mảnh đất bố mẹ mới chia cho tôi mà thôi chứ không phải thực sự biết ăn năn, hối lỗi. Biết mọi chuyện, tôi xé đơn rồi mỉm cười rời khỏi ủy ban, không tái hôn với chồng cũ nữa mặc kệ anh ta van nài.
Tôi không muốn cả đời không thể ngẩng mặt lên nhìn ai vì có một người chồng cờ bạc, lúc nào cũng phải sống trong cảnh phập phồng, lo lắng. Con tôi càng không cần một người bố như anh ta.