Albert Einstein là nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20.
Vào ngày nọ, một người mẹ đưa con trai mình ra ngoại ô. Thay vì như những đứa trẻ khác sẽ thích leo núi, bơi lội, thả diều, chạy nhảy... thì cậu bé này lại ngồi lặng yên bên bờ sông, nhìn chằm chằm vào mặt hồ, không nói một lời và thỉnh thoảng lại đảo mắt nhìn hướng xa xăm nào đó. Lúc này, có một phụ huynh đi cùng tiến về phía người mẹ và chỉ tay vào cậu bé: "Có vấn đề gì với con của cô không vậy? Cô nên đưa nó đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt".
Bạn thử đoán xem người mẹ này sẽ trả lời như thế nào?
Người mẹ này nói: "Con tôi bình thường, nó chẳng làm điều gì sai cả. Người khác có thể không hiểu nó nhưng tôi là mẹ, tôi biết nó đang suy nghĩ gì. Nó sẽ không bị cám dỗ bởi những thứ tầm thường như bao bọn trẻ khác. Tương lai chắc chắn nó sẽ là một giáo sư đại học tuyệt vời".
Và người mẹ này đã nói đúng. Cậu bé kia thực sự đã trở thành một vị giáo sư lừng lẫy nhất thế giới. Không chỉ vậy, cậu bé sau này còn trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20.
Và cậu bé này chính là Albert Einstein.
Albert Einstein - một cậu bé khác biệt
Khi còn là một đứa trẻ, Einstein thường bị người khác xem là một đứa trẻ kỳ lạ. Hầu hết mọi người đều có một tiêu chuẩn hành vi cho những đứa trẻ ngoan và những đứa trẻ bình thường. Nếu một đứa trẻ không nằm trong những tiêu chuẩn đó, chúng được xem là người kỳ lạ, người bất thường.
Mọi người đều biết rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất. Chúng có tính cách riêng và phản ứng với thế giới xung quanh cũng rất khác nhau. Có những đứa trẻ sinh ra rất sôi nổi, nhưng cũng có đứa lại rất trầm lặng, có đứa thì nghịch ngợm nhưng cũng có đứa thì lại rất hiền lành...
Mỗi đứa trẻ không nên được quy chụp là tốt hay không tốt, đúng hay không đúng, chúng chỉ có khác nhau mà thôi. Do vậy, tùy theo từng tính cách của mỗi đứa trẻ mà cha mẹ cần có những cách kỷ luật dạy dỗ, hay thúc đẩy tiềm năng theo một cách riêng. Và người quan trọng tiếp xúc nhiều nhất với một đứa trẻ chính là mẹ.
Mẹ của Einstein nhận thấy con trai mình không giống như những đứa trẻ khác. Bà biết rằng sự khác biệt này không có gì là sai với con mình và tin tưởng thằng bé sẽ khám phá thế giới theo cách của riêng mình. Vì thế, bà đã chọn cách im lặng, luôn đi theo bên cạnh để bảo vệ và nhất mực tin tưởng vào mỗi hành động của con trai mình.
Albert Einstein được nuôi dạy như thế nào?
Quay trở lại câu chuyện lúc đi cắm trại, chắc chắn không ít bậc cha mẹ khi nhìn thấy một cậu bé ngồi một mình tách biệt ở bờ sông, họ sẽ nghĩ cậu bé đó chắc hẳn có vấn đề về não. Giả sử nếu con của họ cũng có tính cách ngại giao tiếp, thích ở một mình thì họ sẽ đối xử với con mình như thế nào? Chắc hẳn sẽ không thiếu những trường hợp cha mẹ sẽ chỉ trích, la mắng, so sánh con mình với con nhà người ta và lặp đi lặp lại trong tai đứa trẻ đó là sự bất thường, tương lai chẳng làm nên trò trống gì.
Cha mẹ có biết rằng khi họ gieo vào đầu con mình những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí người xung quanh cũng hùa theo như vậy, theo thời gian những lời nói đó sẽ ăn sâu vào trong tâm trí của một đứa trẻ, khiến chúng tin là bản thân của mình cũng vô dụng và dị thường như lời mọi người nói.
Mẹ của Einstein lại tự hào và tin tưởng sự khác biệt của con trai mình sẽ làm nên những chuyện lớn lao trong tương lai.
Tuy nhiên, mẹ của Einstein lại tự hào và tin tưởng sự khác biệt của con trai mình sẽ làm nên những chuyện lớn lao trong tương lai. Bà không bị ảnh hưởng bởi những lời nói xung quanh, không nghi ngờ, nhất mực tin tưởng tuyệt đối và bảo vệ con mình. Đó là sự gắn kết tuyệt vời giữa 2 mẹ con và tạo nền tảng để Einstein tin tưởng vào bản thân nhiều hơn.
Bên cạnh câu chuyện trên, còn nhiều câu chuyện khác chứng minh vai trò của người mẹ và người cha quyết định rất lớn đến sự thành công của Einstein.
Einstein sinh ra có một cái đầu lớn hơn so với những đứa trẻ bình thường, 3 tuổi vẫn không thể phát âm. Người mẹ đã sử dụng âm nhạc để "thổi" vào trí tưởng tượng của Einstein. Trong giai điệu tiếng vĩ cầm du dương, Einstein đã quên đi mọi thứ và say sưa trong thế giới âm nhạc.
Cha của Einstein hiểu con trai mình đang nghĩ gì và muốn làm gì. Ngay khi còn nhỏ, Einstein tỏ ra rất mệt mỏi với lời giảng của giáo viên và chỉ quan tâm tới toán học và vật lý. Vì thế, ông đã mua cho con trai mình một chiếc la bàn. Từ đó, Einstein đã say sưa với niềm yêu thích của mình.
Nhờ vào cách giáo dục của gia đình, Einstein có thể thỏa sức phát triển trí tưởng tượng của mình.
Vào một ngày trong khi người mẹ đang rửa bếp, Einstein chơi trong sân sau đầy ánh trăng. Người mẹ liên tục nghe thấy tiếng con trai nhảy lên, bà cảm thấy rất lạ nên đã hỏi con trai đang làm gì đấy. Einstein lúc đó ngây thơ trả lời rằng: "Mẹ ơi, con muốn nhảy lên mặt trăng". Thế nhưng, người mẹ thay vì vùi dập đi ước mơ ngây thơ của con mình mà chỉ nói rằng: "Được rồi. Nhưng hãy nhớ quay lại con nhé!"
Cha mẹ của Einstein không chỉ truyền cảm hứng cho con trai mình mà còn giúp cậu bé phát huy sự tò mò và trí tưởng tượng mạnh mẽ. Môi trường giáo dục của cha mẹ Einstein giống như đang gieo trồng một cái cây nhỏ, họ sẽ cung cấp đất, ánh sáng mặt trời, không khí, nước và không gian cho nó phát triển. Dưới sự yêu thương và chăm sóc của cha mẹ, Einstein háo hức tìm hiểu về toán học và vật lý. Sau đó, mối quan tâm của Einstein dần chuyển sang nghiên cứu vật lý lý thuyết.
Nuôi dạy một đứa trẻ để chúng phát huy hết tiềm năng của bản thân như thế nào?
Để trẻ phát huy được tiềm năng bên trong, cha mẹ cần có cách giáo dục đúng đắn.
- Chấp nhận con người thật của trẻ
Giáo dục không phải là làm mất đi bản chất của một con người, nhưng có thể giúp một người phát huy được tiềm năng thực sự bên trong. Điều quan trọng nhất là khiến trẻ hiểu rằng không có con đường tắt nào cho mục tiêu của mình, chỉ có sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng. Nếu một đứa trẻ muốn có được thứ gì đó thì chúng cần phải cạnh tranh và tự cố gắng kiếm được bằng sức lực của bản thân.
- Nuôi dưỡng sở thích của trẻ
Cha mẹ cần tìm hiểu con mình quan tâm tới thứ gì nhất và sau đó tập trung vào việc nuôi dưỡng chúng. Ví dụ, cha mẹ nếu nhận thấy trẻ nhạy cảm với màu sắc thì nên mua dụng cụ vẽ, để chúng có thể thoải mái sáng tạo với thế giới của mình.
- Đừng sợ trẻ nghịch ngợm
Trẻ nghịch ngợm thường có tư duy não rất tích cực. Việc nghịch phá đôi khi làm phiền lòng cha mẹ nhưng lại giúp trẻ phát triển trí thông minh trong các hoạt động mà chúng quan tâm. Vì vậy, cha mẹ đừng kìm nén hành động này của trẻ. Sau khi trẻ nghịch ngợm, chỉ cần cha mẹ hướng dẫn chúng dọn dẹp mọi thứ về chỗ cũ là được, điều này rất có lợi cho sự sáng tạo của trẻ.
- Khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc
Khi trẻ khoe với cha mẹ một thành tích nào đó như: "Mẹ ơi, con ném bóng vào rổ được 5 lần đấy". Lúc này, cha mẹ không nên tỏ ra thờ ơ, hành động này giống như một gáo nước lạnh tạt vào những cố gắng của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ ngồi xuống trò chuyện một cách thân thiện, ánh mắt nghiêm túc và tò mò: "Có thật vậy không con. Tuyệt vời quá. Con nói cho mẹ biết con đã làm như thế nào". Khi nghe thấy cha mẹ hỏi như vậy, trẻ rất phấn khích và vui vẻ kể chuyện.