Ai làm mẹ rồi sẽ hiểu, nuôi dạy con không bao giờ có một con số nhất định và chuyện tốn kém là điều mà bố mẹ nào cũng khó tránh khỏi. Đặc biệt, khi đứa trẻ đến độ tuổi đi học thì số tiền sẽ ngày một tăng lên.
Tôi chỉ mới có một cậu con trai học cấp 2 thôi mà nhắc đến chi phí nuôi dạy con là đã xây xẩm mặt mày. Vợ chồng làm công ăn lương, lo cho con trai ăn học mà mấy năm nay chưa có dư đồng nào, không biết đến bao giờ mới để dành đủ tiền xây được cái nhà.
Dạo gần đây, con trai quay trở lại trường học nên phát sinh rất nhiều chi phí. Tôi đau hết cả đầu khi đề cập đến chuyện tiền nong, nhưng có một cậu quý tử duy nhất, làm bố mẹ mà ai không muốn đầu tư cho con.
Đầu năm học, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần để bỏ ra số tiền kha khá, tầm mấy triệu để đóng quỹ lớp cho con giống như mọi năm. Tuy nhiên, tôi đã suýt ngất khi con trai đi học về và thông báo với mẹ số tiền cô giáo yêu cầu đóng.
Chuyện là bình thường tôi sẽ là người đi họp đầu năm cho con, nhưng hôm vừa rồi tôi bận công việc đột xuất nên không thể tham dự, chồng thì đang đi làm ăn ở xa. Tôi tính sau khi giải quyết xong vấn đề cá nhân, tôi sẽ sắp xếp đến trường để gặp cô giáo chủ nhiệm lớp con và nộp luôn số tiền quỹ lớp.
Thế nhưng, chưa kịp làm thì bất ngờ nghe con đi học về thông báo năm nay quỹ lớp sẽ đóng là 10 triệu đồng, tôi giật mình tưởng mình nghe nhầm vì đây là số tiền không hề nhỏ, chưa từng có trong lịch sử trước đây. Nhưng khi hỏi lại con 10 lần thì cả 10 lần đều cùng 1 đáp án, đứa trẻ đinh ninh là cô giáo đã bảo nộp 10 triệu.
Vì không đi họp phụ huynh nên không nắm được tình hình cụ thể ra sao, nhưng ngay khi nghe con nói ra số tiền này, tôi đã vô cùng tức giận, không hiểu vì sao lớp con lại đóng quỹ cao chót vót như thế trong khi hiện tại kinh tế làm ăn khó khăn, đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện, giàu có đến mức đó.
Không đợi nữa, ngay lúc đó tôi đã vội bỏ dở mọi việc để đến trường chất vấn cô giáo của con. Nhưng kết quả lại khiến tôi rơi vào tình huống vô cùng khó xử và xấu hổ. Hoá ra, không phải 10 triệu như lời con trai nói mà tổng chỉ có 5 triệu bao gồm cả học phí. Vậy, tại sao con trai tôi lại nói dối, thậm chí là gấp đôi số tiền này lên. Biết sự thật, sau khi trở về nhà, tôi đã lập tức vạch trần lỗi của con trai.
Trước sự kiên quyết của mẹ, thằng bé sợ hãi nên đã thành thật thú nhận với tôi rằng, vì con muốn mua một cái điện thoại giống một bạn học trong lớp, nhưng biết nói ra bố mẹ sẽ la mắng và không cho nên mới nghĩ ra cách nói dối tai hại này. Vừa nói, con vừa khóc khiến tôi vừa tức giận, nhưng cũng cảm thấy rất đau lòng.
Tôi không bao giờ ngờ rằng, đứa con trai bình thường rất ngoan ngoãn của mình nay lại hư hỏng như vậy, dám nói dối cả mẹ để đạt được mong muốn bản thân. Ban đầu, tôi nghĩ phải trừng phạt cho thằng bé sợ, nhưng thấy con hoảng loạn vì là lần đầu phạm lỗi nên cuối cùng suy đi tính lại, tôi cũng quyết định sẽ bỏ qua cho con lần này. Dĩ nhiên, kèm với đó là một lời hứa, nếu trong tương lai thằng bé lặp lại lỗi trên thì bố mẹ chắc chắn sẽ không bỏ qua dễ dàng.
Lần này, không phải là tôi đang bao che cho lỗi lầm của con, tôi vẫn sẽ giải thích và hướng dẫn để con sửa mình, nhưng tôi tin rằng, mọi đứa trẻ đều xứng đáng nhận được sự bao dung, tha thứ khi con thành khẩn nhận ra lỗi và sửa lỗi. Đôi khi, giáo dục bằng sự nghiêm khắc sẽ phản tác dụng, lúc cần mềm mỏng thì cũng nên như thế, miễn là nó phù hợp và hiệu quả là được, các mẹ có ai đồng quan điểm này với tôi không…
Tâm sự từ độc giả hoaithu…@gmail.com
Tại sao trẻ nói dối?
Khác với thực tế là ở trẻ nhỏ nói dối là một dấu hiệu của sự phát triển nhận thức, khi lớn lên, trẻ sẽ nói dối vì mục đích, lý do khác nhau. Thông thường nói dối để có được một cái gì đó chúng muốn là phổ biến nhất. Tuy nhiên, cũng có một số lý do khác.
Trẻ thường xuyên nói dối để đạt được sự chấp thuận và nâng cao lòng tự trọng. Đôi khi, trẻ nói dối cũng có thể là một nỗ lực để gây sự chú ý. Ví dụ như một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh nhưng nói dối bị ốm để được bố mẹ quan tâm.
Hoặc có thể những lời nói dối của trẻ chỉ là do sự bốc đồng, bản tính không suy nghĩ trước khi nói. Trẻ em thường xuyên pha trộn giữ cuộc sống thực với thế giới tưởng tượng của chúng. Do đó, điều quan trọng là xác định bản chất thực sự của lời nói dối. Dưới đây là một số điều cha mẹ nên làm trong tình huống con trẻ nói dối.
- Có một cuộc đối thoại cởi mở
Cha mẹ nên nói chuyện với con trẻ về tình huống cụ thể, nói về khả năng gây hại như thế nào. Tuy nhiên, việc giáo dục trẻ là một chặng đường dài, hàng ngày cha mẹ nên lồng ghép những câu chuyện để trẻ thấm nhuần ý thức đúng sai.
Đọc những câu chuyện cho trẻ về đức tính ngay thắng, sự dối trá có thể gây ra hậu quả nghư thế nào, truyền thông điệp đúng đắn cho trẻ.
- Khuyến khích trí tưởng tượng nhưng không nói dối
Nếu trẻ kể cho bạn một câu chuyện khó tin, thay vì phản bác bạn có thể khen con rằng nó giàu trí tưởng tượng và có thể biến thành một cuốn sách, từ đó truyền năng lượng sáng tạo của chúng.
- Đảm bảo hình phạt không quá mức
Chỉ trích trẻ là kẻ chuyên nói dối và đưa ra những hình phạt quá mức thường không đem lại hiệu quả. Quy tắc cha mẹ cần nhớ tuân theo đó là quy tắc ngón tay cái. Đưa ra một hình phạt cần phải đảm bảo cho trẻ cơ hội quay lại để thực hiện hành vi sửa lỗi.