Mới đó mà tôi đã lấy chồng được 10 năm và đến nay vẫn sống chung với bố mẹ chồng. Nhiều người thắc mắc, bảo tại sao hai vợ chồng có tài chính nhưng không ra ở riêng cho thoải mái, đỡ xích mích mẹ chồng nàng dâu.
Nghe xong tôi chỉ cười, bởi giữa tôi và mẹ chồng chẳng có xích mích gì lớn cả. Ngược lại, hai mẹ con rất hòa hợp, gia đình vô cùng êm ấm.
Nghe tôi nói, nhiều người cười bảo rằng làm gì có mẹ chồng nào coi con dâu như con ruột, có thể trước mặt nói vậy nhưng sau lưng hoặc khi có chuyện gì xảy ra thì lại khác. Nhưng tôi thì nghĩ, trên đời vẫn còn vô vàn những bà mẹ chồng tốt, coi con dâu như con gái ruột mà đối đãi, mẹ chồng tôi là một ví dụ điển hình.
Còn mẹ chồng có đối xử tốt với con dâu, coi con dâu như con ruột không thì chỉ cần nhìn vào 3 điểm này là biết.
Ảnh minh họa
1. Khi mang bầu, mẹ chồng có thể thông cảm với sự vất vả của con dâu không?
Mang thai có thể nói là khoảng thời gian nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhất của người phụ nữ. Bởi họ không chỉ phải chăm sóc sức khỏe bản thân, lo cho đứa con trong bụng mà còn phải giữ tâm trạng vui vẻ. Bụng càng ngày càng to thì việc di chuyển càng bất tiện, ngoài ra còn phải chịu đựng nhiều loại áp lực tâm lý khác nên mới có nhiều trường hợp trầm cảm trước khi sinh.
Khoảng thời gian này, nếu mẹ chồng luôn thờ ơ với con dâu, nói chuyện lạnh lùng với con dâu hoặc thậm chí là soi mói thì chứng tỏ bà không hề coi trọng bạn. Hoặc, bà còn có thể thốt ra những lời đại loại như “là phụ nữ ai mà không sinh nở”, rồi so sánh với bản thân ngày xưa: “Ngày xưa tới sát ngày sinh mẹ vẫn ra ruộng cày cấy, làm việc,…”.
May thay, mẹ chồng tôi lại không như vậy. Mẹ quan tâm tới từng miếng ăn, giấc ngủ của tôi. Tuy nhiên, mẹ không bao giờ áp đặt kiểu như mang thai là phải ăn cho hai người, ăn cho con khỏe mà mẹ luôn ưu tiên sức khỏe của tôi lên hàng đầu.
Mỗi lần tôi đi khám thai, mẹ luôn dặn chồng tôi đi cùng. Nếu chồng tôi bận, mẹ luôn đi cùng tôi vì không yên tâm để tôi đi một mình. Còn rất nhiều việc nữa mẹ đã làm cho tôi khi mang thai, tất cả tôi đều ghi nhớ hết thảy. Những điều đó khiến tôi vô cùng cảm động, và biết rằng mẹ chồng luôn coi tôi như con ruột mới có thể đối xử với tôi như thế.
Ảnh minh họa
2. Mẹ chồng có chăm sóc con dâu trong thời gian ở cữ không?
Ở cữ có thể nói là thời điểm người phụ nữ yếu đuối nhất. Mọi sức lực đều bị hao mòn khi sinh nở, cơ thể cần được chăm sóc chu đáo để phục hồi sau sinh. Ngoài ra, việc chăm sóc trong thời gian ở cữ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sau này của người phụ nữ.
Nếu mẹ chồng thương con dâu như con ruột, bà sẽ hiểu tất cả những điều này, bởi bà đã từng trải qua những điều đó, hiểu rõ những vất vả, khó khăn mà phụ nữ sau sinh phải chịu.
Nếu mẹ chồng thương con dâu như con ruột, bà sẽ không để con dâu một mình vào thời khắc này mà luôn đồng hành, giúp đỡ con dâu.
Còn nếu mẹ chồng để con dâu một mình, hoặc có tới chăm con dâu ở cữ nhưng lại đi kể công khắp nơi, hoặc ép con dâu phải làm thế này thế kia thì chứng tỏ bà cũng chẳng thật lòng đối đãi với bạn đâu.
Ảnh minh họa
3. Khi xảy ra mâu thuẫn trong việc giáo dục con cái, mẹ chồng có tôn trọng ý kiến của con dâu không?
Mẹ chồng và nàng dâu rất dễ mâu thuẫn trong việc chăm con, dạy cháu. Sở dĩ có chuyện này vì mẹ chồng và nàng dâu là hai thế hệ khác nhau nên có sự khác biệt trong suy nghĩ.
Tôi và mẹ chồng trước đây cũng vậy, nhưng khi ấy hai mẹ con đã ngồi lại nói chuyện thẳng thắn, nhìn nhận được những lợi ích trong việc nuôi con khoa học nên mâu thuẫn được hóa giải. Sau đó, mẹ cũng thường xuyên xem tivi, youtube để tìm hiểu những phương pháp nuôi con, dạy con kiểu hiện đại.
Nhưng không phải cứ mới là tốt, nên vẫn có những quan niệm cũ tôi vẫn nghe theo lời mẹ chồng.
Thực ra, theo tôi thấy thì về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, hai bên nên nhìn nhận từ góc độ khách quan, điều tốt nhất nên làm là tôn trọng lẫn nhau và đặt con cái lên hàng đầu.