Khung cảnh một góc tường tranh hiện lên vô cùng sinh động qua đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo của gia đình họa sĩ.
Xuất thân đều là những người yêu cái đẹp, anh Nguyễn Duy Quang và chị Trần Thị Mỹ Hạnh (trú tại phố Đồng Kè, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã dành ra hai tuần để “biến hóa” những mảng tường cũ mốc thành một khu phố thu nhỏ bởi các khung cảnh, địa danh mang đậm chất thơ.
“Cả hai vợ chồng đều theo nghề họa sĩ. Ngày trước chúng tôi đều công tác ở Sài Gòn, nhưng đến năm 2016 về Đà Nẵng sinh em bé nên ở lại đây luôn. Căn nhà này là của ba mẹ để lại, xây cũng gần ba mươi năm rồi. Vì tường ngoài sân cũ kỹ quá nên chúng tôi quyết định vẽ lại tất cả các mảng tường từ trong ra ngoài luôn”, chị Hạnh chia sẻ.
Cấu trúc của ngôi nhà có nhiều mảng tường riêng biệt, nên vợ chồng chị Hạnh đã vẽ mỗi góc một mẫu khác nhau. Đối với mảng tường thường xuyên được nắng chiếu vào, anh chị vẽ biển hoặc cây xanh có hoa để tạo cảm giác mát mẻ và giảm đi sự chói chang mỗi khi nhìn. Còn với góc tường nằm trong hướng mát, là những bức vẽ với gam màu trầm và ấm áp hơn.
Nét đẹp hoài niệm của một góc đường trên Phố Cổ được tái hiện vô cùng chân thật.
Mảnh rừng muôn sắc với cây và hoa bao quanh con đường uốn lượn tạo cảm giác rất thơ.
Dư vị mùa hè được hòa quyện trong khung cảnh đồi núi chập chùng cùng với những ngôi nhà mái ngói và dòng nước biển xanh mướt chạy quanh.
Các bức tranh tường được vẽ bằng cọ và màu acrylic, vừa nhanh khô mà sắc màu lại vui tươi. “Vợ chồng tôi rất thích đi Hội An và phố cổ nên nhất định phải dành một chút không gian cho những địa danh này. Ngoài ra, bờ biển Đà Nẵng nơi gia đình chúng tôi sinh sống cũng rất đẹp, vì vậy sẽ rất thiếu sót nếu chúng tôi không vẽ tranh về biển”, chị Hạnh cho hay.
Bên cạnh những bức tranh vẽ đẹp mắt mang đầy tính nghệ thuật, gia đình anh Quang và chị Hạnh còn tái chế, trồng thêm cây xanh để tạo không gian thoáng mát. Đối với khách mua tranh, anh chị cũng thường tư vấn, hướng dẫn làm theo để góp phần giảm bớt rác thải và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường.
Bức tranh hoa sen vẽ theo phong cách mới lạ cùng dàn cây được trồng trong những lốp ô tô cũ vừa mang tính nghệ thuật, vừa góp phần hạn chế rác thải.
Theo đuổi nghề vẽ đã hơn 15 năm, niềm đam mê cùng với sự sáng tạo, khéo léo từ đôi bàn tay của vợ chồng anh chị họa sĩ chưa bao giờ ngưng cả. “Nghệ thuật đôi khi nó rất gần gũi, chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát và thay đổi theo cách của mình là chúng ta có được bức tường ấn tượng”, chị Hạnh nói.
Đến nay, gia đình anh Quang và chị Hạnh đã có chung hai bé trai rất đáng yêu và kháu khỉnh. Bé lớn tên Ken được hơn 3 tuổi và một bé hiện tại vừa tròn 15 tháng tuổi. Có bố mẹ đều là họa sĩ, nên bé Ken cũng sớm bộc lộ niềm yêu thích đối với bộ môn vẽ tranh này. Bé thường phụ ba mẹ làm tranh với chất liệu như dán trái thông làm vòng hoa hoặc dán hạt làm tranh café.
Dáng ngồi và cách cầm cọ vẽ của bé Ken không khác gì một họa sĩ nhí thực thụ
Ngoài bức tường tranh nghệ thuật, gia đình chị Hạnh cũng có những sản phẩm tranh khác vô cùng độc đáo và sáng tạo, điển hình là các bức tranh sỏi. Chị cho biết: “Quê tôi có rất nhiều sỏi nên đã nghĩ đến việc tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn từ thiên nhiên để tạo nên các bức tranh này”.
Bức tranh sỏi – Một trong những tác phẩm làm từ sỏi độc đáo bởi sản phẩm hoàn toàn làm thủ công từ vẽ cô gái đến tô sỏi. Sự sắp xếp và kết hợp ngẫu nhiên của đá và vài loại ốc giúp bức tranh trở thành tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc.